Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng, tâm lý doanh nghiệp khi nhận được đơn hàng thì không kiểm định kỹ và bỏ qua nhiều yếu tố bất thường nên thường bị sập bẫy lừa đảo khi xuất khẩu hàng hóa.
Đại diện Tham tán thương mại tại Canada cho biết, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng và rất tinh vi. Thông thường một số đối tượng tại nước này tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, rồi dùng vỏ bọc này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Hình thức lừa đảo chủ yếu là gọi điện trực tiếp hoặc email để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín. Sau đó trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam để đặt hàng, gửi hợp đồng có đóng dấu đầy đủ. Do đó mà doanh nghiệp Việt Nam thường không có bất kỳ nghi ngờ nào.
Nhiều doanh nghiệp quốc tế giới thiệu công nghệ, hàng hóa giao thương với doanh nghiệp Việt Nam |
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết thêm, vụ việc doanh nghiệp điều bị lừa khi xuất hàng sang Italy thì các đối tượng lừa đảo còn tinh vi hơn. Trước hết, các đối tượng này đã nghiên cứu và hiểu rõ tâm lý, thị phần, cách thức giao thương và thanh toán hợp đồng của doanh nghiệp. Do vậy, ngay từ khi đặt hàng, các đối tượng đặt đơn hàng rất lớn, vượt quá sức cung ứng của một doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải liên kết lại để cùng cung ứng. Thứ 2 là thông qua một đại lý môi giới tin cậy, có thâm niên làm việc rất lâu (15 năm) với các doanh nghiệp Việt Nam. Cuối cùng là thông qua sự tin tưởng lẫn nhau, người môi giới sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp mã code hồ sơ chuyển phát nhanh hồ sơ để được hỗ trợ thông quan hàng hóa.
Thực tế từ vụ doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất 76 container điều khi xuất sang Italy cho thấy, ngay khi cung cấp mã code chuyển phát nhanh của bộ hồ sơ doanh nghiệp xuất khẩu thì bộ hồ sơ đã bị các đối tượng lấy mất trước khi đến được ngân hàng nước sở tại. Do vậy mới có trường hợp các nhóm đối tượng có được chứng từ giao vận đến cảng nhận hàng trong khi doanh nghiệp chưa nhận được tiền và ngân hàng được chỉ định thanh toán chưa nhận được hồ sơ.
Từ thực tế trên, các chuyên gia, tham tán thương mại cho rằng, doanh nghiệp cần cảnh giác với các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi của các nhóm tội phạm quốc tế.
Được biết, bình mỗi năm, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu do bị sập bẫy lừa đảo giao thương. Trong đó, mỗi vụ lừa đảo ước tính thiệt hại trung bình 1,7 triệu USD", ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết.