Khó mua
Nông dân Hồ Huỳnh Khánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) nhớ lại, trước kia trên địa bàn các huyện ven TPHCM có cải bẹ xanh, đậu bắp, khổ qua có hương vị, chất lượng rất riêng. Đơn cử, cải bẹ xanh ở Bình Chánh có vị the cay như mù tạt trong khi giống cải xanh hiện nay chỉ có vị the nhẹ. Tuy nhiên, thời gian sau này, những đặc sản nông nghiệp địa phương như vậy dần ít được nông dân trồng vì năng suất thấp. Ở chiều ngược lại, cũng vì năng suất thấp mà những sản phẩm này ít được thị trường ưa chuộng do giá thành cao.
Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống cũng như hệ thống các siêu thị ở TPHCM cho thấy, những đặc sản nông nghiệp bản địa gần như thiếu vắng, không có mặt. Tại chợ Tân Phú (quận Tân Phú), dạo quanh các sạp bán trái cây, chúng tôi tìm mua mít ướt, mít nghệ… những loại mít đặc trưng của Việt Nam nhưng không sạp nào có. Hầu hết đều là giống mít Thái.
Theo nhiều tiểu thương, nếu muốn mua, chúng tôi phải đặt cọc tiền, để lại số điện thoại. Các tiểu thương sẽ nhờ vựa trái cây ở miền Tây tìm mua giùm. Tuy nhiên, họ cũng nói luôn, việc tìm mua như vậy rất mất công nên giá sẽ cao hơn.
Tương tự, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đến sạp bán rau củ quả, chúng tôi tìm mua mướp hương, bầu sao An Giang, bà Nguyễn Thị Hoa - một tiểu thương bán hàng lâu năm ở đây cho biết, đã hơn 5 năm nay, những sản phẩm này hầu như không còn trên thị trường.
Bà Hoa cho biết thêm, lâu lâu cũng có vài người lớn tuổi hỏi mua. Chủ yếu là những người đã từng ăn qua. Còn tại nhiều hệ thống siêu thị, mặc dù đã cố công tìm kiếm chúng tôi vẫn không thấy những đặc sản như vậy còn bày bán. Tương tự, những sản phẩm tươi sống, là đặc sản địa phương hầu như không còn bày bán tại các siêu thị.
Lý giải nguyên nhân sản phẩm địa phương dần mai một, ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho biết, nhược điểm của nhiều giống nông sản địa phương là sản lượng không cao, ít có giá trị kinh tế, khó trồng đại trà. Chưa kể, là đặc sản địa phương nên hầu hết các loại nông sản này chỉ phù hợp trồng hoặc chăn nuôi ở những khu vực, địa phương nhất định.
Cũng có nhiều khu chợ bán đặc sản nông nghiệp bản địa như muốn mua đặc sản Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có thể đến khu chợ Bà Hoa (quận Tân Bình). Một kênh thị trường khác của những đặc sản nông nghiệp địa phương mà nhiều người có thể tham khảo là các trang mạng với tên như đặc sản Tây Nguyên, đặc sản Bình Định, đặc sản miền Bắc… Tuy nhiên, cũng phải hết sức cảnh giác bởi có thể gặp phải những người bán hàng gian dối. Chưa kể, việc vận chuyển hàng cũng không dễ.
Theo ông Huỳnh Bá Tuấn, chủ trang mạng bán đặc sản miền Bắc, nếu muốn mua gà đồi Yên Thế, vịt bầu Lạng Sơn… thì khách hàng phải chịu phí vận chuyển. Nếu vận chuyển bằng đường bộ phải mất 2 ngày, rồi lại phải bảo quản liên tục trong nhiệt độ lạnh đủ chuẩn, vận chuyển đường hàng không chi phí còn cao hơn.
Hướng ra từ OCOP
Hiện nay, một số sản phẩm đặc sản địa phương đang được hồi phục theo nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ (Bộ NN-PTNT), đánh giá, đến một lúc nào đó, người tiêu dùng sẽ “nhớ và thèm” đặc sản của quê hương mình. Lúc đó, sản phẩm địa phương sẽ phục hồi. Hiện nay, nhiều nơi đã bước vào giai đoạn đó khi nhiều người có thu nhập cao muốn tìm mua các đặc sản.
Theo Bộ NN-PTNT, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại với sản phẩm OCOP. Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, nhiều đặc sản nông nghiệp địa phương có chất lượng tốt, hương vị độc đáo nhưng để phát triển cần phải gắn với thị trường. Nhiều phong trào khởi nghiệp, ngay cả Chương trình OCOP đang dần giúp phục hồi những đặc sản địa phương, tuy nhiên ở nhiều nơi các hoạt động này chỉ mang tính chất phong trào, chưa thể thành công do chưa có thị trường.
Việt Nam có rất nhiều nông sản ngon, độc đáo nhưng lại ít nơi đăng ký bản quyền. Để hướng tới xuất khẩu, cần khắc phục bất cập này, vừa nâng cao vị thế nông sản Việt vừa giúp hình thành, mở rộng thị trường không chỉ có khách hàng trong nước mà còn ở nước ngoài.
Ở góc độ khoa học, theo Bộ KH-CN, thông qua Chương trình quỹ gen cấp quốc gia đã bảo tồn, khai thác, phát triển sản xuất hàng trăm nguồn gen cây trồng bản địa, đặc hữu của địa phương như các giống lúa: Tám đa dòng T3, Tẻ thơm LT3, Dự thơm Thái Bình, Di hương Hải Phòng, Khẩu nậỞ góc độ khoa học, theo Bộ KH-CN, thông qua Chương trình quỹ gen cấp quốc gia đã bảo tồn, khai thác, phát triển sản xuất hàng trăm nguồn gen cây trồng bản địa, đặc hữu của địa phương như các giống lúa: Tám đa dòng T3, Tẻ thơm LT3, Dự thơm Thái Bình, Di hương Hải Phòng, Khẩu nậm pua, giống vừng VDD11; giống khoai môn sọ KS5, KS4,KM-1, khoai sọ muộn Yên Thế; một số giống rau địa phương phục vụ phát triển rau sạch; một số giống hoa, cây cảnh bản địa như củ từ Bơn Nghệ An, bưởi Quế Dương, bưởi đường Hiệp Thuận, hồng Yên Thôn, chuối tiêu vừa Phú Thọ, xoài Vân Du… Về nguồn gen vật nuôi, đã bảo tồn khai thác 53 nguồn gen vật nuôi, trong đó nhóm gia súc có 10 nguồn gen; nhóm tiểu gia súc có 13 nguồn gen; nhóm gia cầm có 23 nguồn gen; nhóm thủy cầm có 7 nguồn gen. Mới đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn Ỉ từ tế bào soma mô tai. Hiện tại, giống lợn Ỉ gần như bị tuyệt chủng. Thành tựu nổi bật này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới như ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm; kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra lợn nhân bản theo ý muốn, phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng trong tương lai. |