1. Trong bối cảnh TPHCM có những bước tiến về kinh tế - xã hội như hiện nay, thì việc thống kê, rà soát một cách bài bản, khoa học hệ thống các tượng đài, tranh hoành tráng đang hiện diện trên địa bàn thành phố sẽ giúp kịp thời nghiên cứu, khắc phục những hạn chế - tồn tại, phát huy những thành công trong công tác xây dựng môi trường thẩm mỹ đô thị. Từ đó, đáp ứng nhu cầu chính đáng và ngày càng cao về một đời sống tinh thần phong phú của người dân, xã hội. Đồng thời, phần nào phản ánh và khẳng định trình độ dân trí, sự phát triển văn minh đô thị và quá trình hội nhập quốc tế của TPHCM.
Về vấn đề này, Sở VH-TT TPHCM cho biết, đề cương của Đề án “Phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2035” đang được lấy ý kiến sâu rộng từ người dân, giới chuyên môn, đơn vị quản lý và các cấp lãnh đạo. Theo đó, đề cương chỉ ra sự cần thiết của việc phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng diện mạo đô thị xứng tầm.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang làm thay đổi đáng kể diện mạo của TPHCM, trong đó đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông - đô thị, quy hoạch không gian kiến trúc. Tuy nhiên, lĩnh vực đi kèm với nó là môi trường thẩm mỹ đô thị nói chung, điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng nói riêng - do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, lại ít có sự cập nhật, biến đổi theo xu thế đương đại, chưa thật sự xứng tầm với sự đổi mới, lớn mạnh không ngừng về cơ sở vật chất của thành phố. Thậm chí, có trường hợp gây bức xúc dư luận, giới chuyên môn. Chẳng hạn, với hệ thống tượng đài được làm trước năm 1975, hầu hết đã bị xuống cấp, giá trị nghệ thuật cũng không cao do kích thước nhỏ, hạn chế về mặt thẩm mỹ và lạc lõng giữa khung cảnh đô thị hiện đại.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều tượng đài được xây dựng với phần lớn mục đích nhằm tôn vinh công lao sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong khoảng hàng chục công trình ra đời ở thời kỳ này, số lượng tác phẩm có giá trị lịch sử, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị không nhiều.
Điển hình như: tác phẩm “Bác Hồ với thiếu nhi” của tác giả Diệp Minh Châu đặt ở công viên trước mặt UBND TPHCM, nay chuyển về Nhà Thiếu nhi thành phố; tác phẩm “Truyền thống đấu tranh của công nhân thành phố” của Nguyễn Hải ở Ngã bảy, quận 10; tác phẩm “Đuốc sống” của Phan Gia Hương ở công viên Lê Văn Tám, quận 1; tác phẩm “Bà mẹ Việt Nam” của Nguyễn Hải ở Nghĩa trang thành phố; tác phẩm “Chiến sĩ Láng Le” của Phan Gia Hương ở di tích Láng Le - Bàu Cò, huyện Bình Chánh... Còn lại, đa phần hoặc đã xuống cấp nhiều do thời gian, hoàn cảnh trình độ kỹ thuật còn hạn chế (vào thời kỳ đầu sau ngày thống nhất đất nước), hoặc thiếu tính thẩm mỹ, không còn phù hợp với sự thay đổi của môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông - đô thị gắn liền xung quanh.
Điều này đã dẫn đến hiệu quả kết hợp giữa điêu khắc, kiến trúc với môi trường thiên nhiên, xã hội thiếu sự tương đồng, nhất quán trong việc tạo cảnh quan thẩm mỹ hiện nay; khả năng truyền tải, lan tỏa thông điệp văn hóa - xã hội, quá trình hình thành và phát triển vùng đất qua đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Thực trạng nêu trên ít nhiều tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững mà thành phố đề ra. Trước tình hình này, việc “Phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2035” là rất cần thiết và cấp bách.
2. Trước câu hỏi về kế hoạch thực hiện tượng đài Thống Nhất và tượng đài Nam Bộ kháng chiến, cũng như các tác phẩm qua 2 trại sáng tác điêu khắc năm 2005 và 2015 vẫn trong tình trạng “cất kho” nhưng chưa có chế độ bảo quản thường xuyên, gây bức xúc trong giới chuyên môn lẫn người dân quan tâm điêu khắc, đại diện Sở VH-TT TPHCM trình bày: Về tượng đài Thống Nhất và tượng đài Nam Bộ kháng chiến, nội dung này đã được UBND TP giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện. Hiện nay, Sở VH-TT đang phối hợp Sở QH-KT, các nhà chuyên môn nghiên cứu, tham mưu vị trí đảm bảo hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực và quy hoạch chung của thành phố để UBND TP xem xét, quyết định.
Về các tác phẩm của Trại sáng tác năm 2015, là những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao, được lưu giữ và thường xuyên được kiểm tra theo quy định. Một số tác phẩm có giá trị cao đã được thành phố bố trí, lắp đặt tại các vị trí như Hội Mỹ thuật TP, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP, đường Nguyễn Văn Bình, đường Nguyễn Huệ… Đồng thời, việc đặt các tác phẩm này phải phù hợp với không gian kiến trúc chung, cảnh quan khu vực, do đó hiện nay Sở VH-TT đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, lên phương án tổng thể đảm bảo tính thẩm mỹ trình UBND TP bố trí, sắp xếp tại các vị trí phù hợp.
3. Đề cương của Đề án “Phát triển tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2035” cũng đưa ra những tiêu chí cốt lõi, quan trọng trong việc phát triển tượng đài và tranh hoành tráng trong tổng thể bộ mặt đô thị.
Thứ nhất là sự đa dạng về đề tài để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay, bởi lẽ tượng đài muốn thành công, có thể dễ dàng đi vào lòng người thì phải mang tiếng nói của thời đại. Thứ hai là sự thay đổi ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật chất liệu theo hướng phong phú, ấn tượng, độc đáo và biểu cảm. Thứ ba là đội ngũ thực hiện, triển khai phải là những người có chuyên môn cao và thực sự có tâm huyết với mục tiêu nâng cao diện mạo, đời sống thẩm mỹ cho thành phố.
Về tiêu chí quy hoạch, đề cương cũng nêu ra, phạm vi không gian, lập quy hoạch các địa phương trực thuộc trên địa bàn TPHCM, bao gồm: 12 quận (1, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 11, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú), 4 huyện (Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi). Về đối tượng quy hoạch, những công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xây dựng nơi công cộng, bao gồm nút giao thông, quảng trường, công viên, khuôn viên chợ, bảo tàng, khu di tích, nhà truyền thống, nhà tưởng niệm, trung tâm chính trị - văn hóa - xã hội... có mặt bằng và không gian phù hợp với mục tiêu quy hoạch của đề án.
Để mỗi cửa ngõ vào thành phố, mỗi quận huyện phát huy tối đa bản sắc riêng mình, đề cương cũng nghiên cứu: “Mỗi quận, huyện, thành phố, nhất là ở các địa bàn tiêu biểu về văn hóa - xã hội, hay cửa ngõ ra vào, công trình sông nước, công trình ngầm... đều cần có những quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng nhằm làm nổi bật đặc trưng, thành tựu địa phương”.
Có thể thấy, thẩm mỹ môi trường đô thị nói chung và điêu khắc trong không gian văn hóa công cộng TPHCM nói riêng chính là nét đẹp văn hóa thẩm mỹ của đô thị, thể hiện rõ trình độ dân trí, sự phát triển của đô thị. Trong giai đoạn hiện nay, với quá trình hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật cùng với sự mở rộng quy mô, phát triển hiện đại thành phố, xây dựng nhiều khu đô thị mới cho phù hợp sự tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững.
Điêu khắc trong không gian văn hóa công cộng đòi hỏi phải có sự chung tay, phối hợp của các ngành, các giới và ở mỗi nhà điêu khắc, kiến trúc sư... Càng chậm triển khai quy hoạch các không gian hài hòa giữa kiến trúc đô thị và các tác phẩm nghệ thuật sẽ càng khó khăn khi thành phố đang phát triển rất nhanh. TPHCM đã xác định hướng phát triển thành một đô thị thông minh, nhưng cũng không thể thiếu đi các yếu tố mang các giá trị truyền thống của dân tộc, lại càng không thể thiếu yếu tố thẩm mỹ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Để thực hiện được điều đó, rất cần một quyết sách mạnh mẽ, thiết thực từ phía lãnh đạo thành phố, các hội, cơ quan chuyên ngành cùng sự đóng góp tích cực của các nghệ sĩ và sự đồng lòng hỗ trợ của cộng đồng. Việc sử dụng các tác phẩm đang có, tổ chức các loại hình hoạt động sáng tác, kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để có nhiều hơn các tác phẩm giá trị cho không gian của một đô thị đang phát triển nhanh như TPHCM cũng cần phải được nhanh chóng thực hiện.