Nhạt nhòa cửa ngõ
Khu vực trung tâm thành phố, bên cạnh các công viên còn có thêm nhiều không gian văn hóa công cộng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, lễ hội, vui chơi của người dân. Các không gian này với các kiến trúc mới, những trục đường giao thông mới, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của thành phố. Tuy nhiên, nhiều công trình trong số đó mới chỉ đảm bảo được yếu tố về công năng sử dụng mà chưa thể hiện được chức năng thẩm mỹ, văn hóa của một công trình công cộng, thiếu hẳn các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, hội họa có chất lượng nghệ thuật.
TPHCM là một đô thị nằm trong khu vực trung tâm của các tỉnh, thành phía Nam, có rất nhiều cửa ngõ đi vào. Nhưng tính đến nay, chỉ có đồ án “Hòa bình, hợp tác và phát triển” của tác giả Lê Thanh Việt, một biểu tượng mang tính trang trí được coi là cổng chào du khách từ phía sân bay Tân Sơn Nhất (xây dựng ở cuối đường Trường Sơn). Các khu vực cửa ngõ khác gần như thiếu vắng hẳn tác phẩm mỹ thuật để làm biểu tượng cổng chào.
Theo GS - Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cổng chào đường Trường Sơn cũng chỉ mang tính chất của một hình khối kiến trúc, không có sự điểm xuyết nào của mỹ thuật. Đây cũng là một công trình được chê nhiều hơn khen bởi sự đơn điệu, khô cứng và thiếu tính thân thiện, thẩm mỹ...
Năm 2015, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TPHCM, việc xây dựng Tượng đài Thống Nhất và Tượng đài Nam bộ kháng chiến cần nhanh chóng xác định vị trí cụ thể để triển khai. Theo đó, UBND TP đã giao Sở QH-KT chủ trì, cùng Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật TP, các sở ngành chuyên môn tìm vị trí thích hợp cho 2 công trình tượng đài có ý nghĩa quan trọng nêu trên. Trong đó, khu vực xây dựng Tượng đài Thống Nhất sẽ nằm ở hướng Đông và Tượng đài Nam bộ kháng chiến sẽ được đặt ở hướng Tây của thành phố… Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh.
Đẹp mà… cô đơn
Trong nỗ lực của TPHCM, nhiều năm qua đã có thêm những cung đường đẹp, không gian xanh nhưng lại “cô đơn” điểm nhấn.
Hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau bao quyết tâm, nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc xóa bỏ, di dời các khu nhà ổ chuột, nạo vét lòng kênh, xây dựng tuyến giao thông, xây dựng một hệ thống cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng..., không gian ở đây thay da đổi thịt và trở nên đẹp đẽ, thơ mộng, thông thoáng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân đến để thư giãn, tập thể dục vào mỗi buổi sáng, tối.
TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, phân tích: “Dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất phù hợp để bài trí các tác phẩm điêu khắc công cộng vừa và nhỏ, vì không gian nơi đây mênh mông, có điểm nhìn đẹp từ nhiều phía, cộng với ánh sáng tự nhiên chan hòa. Nhưng thật đáng tiếc, ở đây vẫn chưa có bóng dáng nào của tác phẩm điêu khắc. Cũng như đại lộ Võ Văn Kiệt, tuyến đường huyết mạch nối từ Đông sang Tây thành phố, chạy dọc theo kênh Tàu Hủ, được chỉnh trang rộng rãi, nhiều công viên cây xanh… rất thích hợp đặt thêm tượng điêu khắc để tạo điểm nhấn. Và đặc biệt, khu vực trước hầm qua sông Sài Gòn, công viên Bến Bạch Đằng với Cột cờ Thủ Ngữ là nơi người dân thành phố và khách du lịch tập trung đông đúc vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần… Những không gian này đều thiếu vắng tác phẩm điêu khắc công viên”.
TS - Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam (Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) chia sẻ: Có quá nhiều công trình kiến trúc trong thành phố chỉ chú trọng đến công năng, tính thực dụng, mà coi nhẹ vẻ đẹp bên ngoài. Thiếu sự tô điểm của điêu khắc trang trí.
Trong tiến trình phát triển của một thành phố, cần một định hướng cho quy hoạch phát triển đô thị, trong đó cần có những khoảng không gian cho nghệ thuật điêu khắc trang trí ngoài trời, góp phần làm đẹp cho bộ mặt thành phố và góp phần tạo những khoảng không gian văn hóa, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng.
Kiến trúc sư VÕ XUÂN TRUNG:
Các đơn vị khi tư vấn thực hiện công tác quy hoạch đô thị mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chỉnh trang đô thị, thiết kế đô thị cần kết hợp đưa vào ngay quy hoạch tổng thể hệ thống các công trình điêu khắc trang trí ngoài trời. Về chuyên môn, ngoài các kiến trúc sư quy hoạch, kiến trúc sư cảnh quan, kiến trúc sư mỹ thuật đô thị, các chuyên gia chuyên ngành liên quan, cũng cần có thêm sự tham gia của các chuyên gia, nhà lý luận phê bình mỹ thuật, nhà điêu khắc có uy tín để góp ý đề xuất ngay từ đầu các không gian dành cho điêu khắc và trang trí ngoài trời, các chỉ tiêu về quy mô, thậm chí cả chất liệu...
TS MÃ THANH CAO, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM:
Đơn vị quản lý cần triển khai gấp và triệt để việc bố trí các tác phẩm còn lại từ 2 trại sáng tác điêu khắc của TPHCM. Rà soát các tác phẩm còn lại, các phương án lắp dựng đã được lên kế hoạch cụ thể, có phối cảnh đầy đủ trong 6 năm qua. Không thể để tình trạng “đặt tạm” tác phẩm 16 năm qua trong Công viên Tao Đàn và Công viên Văn hóa tại quận 9. Cần có một quy hoạch tổng thể về các không gian có bổ sung tác phẩm điêu khắc, vì thể loại tượng ngoài trời nói chung và tượng công viên nói riêng đều cần khoảng không gian xung quanh hợp lý, hài hòa. Ngoài việc phải quan tâm các yếu tố về hướng quan sát, vị trí, phải có sự hài hòa về tỷ lệ, quy mô, phong cách các tượng với các công trình đã có sẵn, mảng cây xanh, thảm cỏ, khoảng cách giữa các tượng trong một không gian.
Nhà điêu khắc LÊ LANG BIÊN:
Cần có một sự gắn kết đồng bộ giữa kiến trúc và mỹ thuật điêu khắc trong quy hoạch tổng thể đô thị. Đề ra được một quy chuẩn cho mỹ thuật - điêu khắc trong thiết kế quy hoạch đô thị để tạo một không gian thẩm mỹ trong đời sống tinh thần của người dân. Để một trại sáng tác điêu khắc thành công và phát huy được giá trị thật sự của từng tác phẩm về mặt nghệ thuật trong không gian đô thị, thì địa phương tổ chức trại nên có phương án quy hoạch nơi đặt tác phẩm trước khi tổ chức trại. Như vậy, khi trại kết thúc thì tác phẩm mới có chỗ đứng phù hợp trong không gian đô thị nhằm phát huy ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm.
Cách tổ chức theo quy trình ngược (làm tượng trước, tìm chỗ đặt sau) sẽ gây nhiều tranh cãi không đáng có, hậu quả là tạo ra sự lãng phí, hư hỏng, xuống cấp của các tác phẩm điêu khắc sau khi trại đóng cửa. Bài học kinh nghiệm từ 2 trại sáng tác điêu khắc của TPHCM năm 2005 và 2015 vẫn còn nguyên giá trị.
GS - Nhà điêu khắc NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM:
Trước hết, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về lĩnh vực mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng trong không gian văn hóa công cộng thành phố để tạo điều kiện pháp lý cho các ban, ngành chuyên môn có cơ sở thực hiện. Hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm điêu khắc trong không gian văn hóa công cộng thành phố với sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của giới mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch và các ngành có liên quan.