TPHCM có bao nhiêu chương trình trình diễn nghệ thuật được gọi là đỉnh cao? Câu trả lời là liên hoan Giai điệu mùa thu diễn ra 2 năm một lần; một số liên hoan nhỏ về thính phòng; khoảng 3-4 chương trình mỗi tháng của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TPHCM (HBSO); chương trình hòa nhạc cuối tuần trước sảnh Nhà hát Thành phố do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM tổ chức.
Mới nhất là chương trình trình diễn âm nhạc chất lượng phục vụ khán giả TP và du khách quốc tế vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, trước sảnh phòng hòa nhạc - Nhạc viện TPHCM. Đó là tất cả những chương trình được cho là đỉnh cao, hàn lâm mà TPHCM có được tính cho đến nay.
Hơn 10 năm trước, ở TPHCM, các chương trình nghệ thuật đỉnh cao, hàn lâm tưởng chừng đã đến gần hơn với công chúng khi vào thời điểm đó, tại Nhà hát Thành phố, hàng loạt các chương trình âm nhạc hàn lâm, trình diễn múa và các sân khấu nghệ thuật truyền thống luân phiên sáng đèn. Nhưng rồi theo thời gian, sự thưa thớt khán giả, nguồn sống của các nhà hát trình diễn eo hẹp dần, khiến hầu hết các chương trình phải ngưng diễn trong tiếc nuối.
Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ trình diễn nghệ thuật đỉnh cao, hàn lâm ở TPHCM đang khan hiếm đến mức báo động. Ngoài một Nhà hát VOH 350 ghế mới khánh thành gần đây dành cho những chương trình vừa tầm và Nhà hát Thành phố hơn 100 tuổi dành cho các sự kiện phục vụ cả nghệ thuật lẫn thương mại để tồn tại; những cơ sở vật chất khác đều cũ kỹ, xuống cấp, không đạt chuẩn để trình diễn nghệ thuật đỉnh cao.
Có “an cư mới lạc nghiệp”, nhưng khi chính HBSO - một trong những đơn vị trình diễn và tổ chức các hoạt động nghệ thuật hàn lâm - vẫn mải loay hoay thuê mướn điểm diễn, vì chưa có nhà hát riêng, thì không rõ, bằng cách nào để vực dậy các chương trình nghệ thuật đỉnh cao tại TPHCM trong thời gian tới?
Đáng nói hơn, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa tại TPHCM vẫn đứng ngoài cuộc trong các hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật hàn lâm, đỉnh cao, chất lượng đến với công chúng. Có thể thấy rõ điều đó qua cách làm tự phát mỗi nơi một kiểu của các đơn vị nhà hát, từ việc quảng bá, định hướng phát triển và tổ chức biểu diễn. Trách nhiệm duy trì tổ chức, định hướng các chương trình được đưa về cơ sở; còn đơn vị đáng lẽ ra phải đồng hành, chỉ đạo thực hiện và tháo gỡ khó khăn, lại dường như đứng ngoài cuộc chơi.
Nhìn về Hà Nội, từ giữa năm 2016, Bộ VH-TT-DL có chỉ đạo Sở VH-TT-DL Hà Nội “mở cửa” cho 12 nhà hát, đơn vị nghệ thuật được vào trình diễn luân phiên tại Nhà hát Lớn.
Đặt chân vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội rõ ràng là một bước đi mới đối với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật thuộc bộ. Song để duy trì lịch diễn định kỳ thu hút được khán giả là một bài toán không đơn giản đối với các đơn vị nghệ thuật cũng như đối với chính Nhà hát Lớn.
Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật khi được vào Nhà hát Lớn để biểu diễn cũng sẽ tự ý thức được để chọn những tác phẩm xuất sắc nhất của mình để phô diễn, xứng tầm với quy mô của nhà hát và phục vụ khán giả. Những chương trình nhạt nhẽo hay mang tính thương mại sẽ không trình diễn tại đây.
Việc làm này, theo đánh giá của ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, là một chủ trương đúng và thực hiện nghiêm túc, mở ra một hướng đi mở, lạc quan cho các chương trình nghệ thuật truyền thống, hàn lâm và đỉnh cao tại thủ đô.
Ở một khía cạnh khác, việc củng cố và nâng chất các chương trình nghệ thuật đỉnh cao và hàn lâm còn đem lại hiệu quả về kinh tế của TPHCM, khi thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.
Đến nay, mô hình “du lịch - nghệ thuật” tại TPHCM hầu như không đem lại hiệu quả. Nếu miền Tây Nam bộ có hình thức du lịch nhà vườn, nghe đờn ca tài tử thì tại TPHCM, một sản phẩm văn hóa đủ tầm, đủ đặc sắc để thu hút du khách hầu như không có.
Du khách không thể mãi xem nghệ thuật hàn lâm Việt Nam biểu diễn ở cửa hay sảnh nhà hát như một nét riêng của du lịch thành phố. Với suy nghĩ không gian mở, họ có thể tìm đến không gian nghệ thuật đường phố ở phố đi bộ Nguyễn Huệ hay xem múa rối nước ở Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũ kỹ. Cái họ cần là thưởng thức nghệ thuật hàn lâm và đặc biệt là nghệ thuật truyền thống trong một không gian hiện đại và lịch sự. Điều này, TPHCM chưa làm được.
Khán giả TPHCM có quay lưng với các chương trình nghệ thuật đỉnh cao? Chắc chắn là không. Bằng chứng là chương trình hòa nhạc cuối tuần trước sảnh Nhà hát Thành phố luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu âm nhạc; hay có những suất diễn của liên hoan Giai điệu mùa thu, các vở nhạc kịch… trong tình trạng “cháy” vé.
Mới đây, thông tin về liên hoan Giai điệu mùa thu với lần trở lại năm 2017 trong một diện mạo mới, đổi mới, đa dạng quy tụ hàng trăm nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế đã trở thành không gian nghệ thuật chất lượng được chờ đón.
Trong bức tranh khá ảm đạm của ngành văn hóa nghệ thuật TPHCM, khán giả mộ điệu đang mòn mỏi chờ đợi những chương trình nghệ thuật đỉnh cao hiếm hoi như Giai điệu mùa thu, chí ít cũng vì họ đã quá ngán ngẩm với mê cung chương trình giải trí truyền hình ô hợp đang chiếm sóng hiện nay.