Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện phỏng dựng danh tác nước ngoài kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam, cùng với những Romeo và Juliet (William Shakespear) và Lão hà tiện (Moliere)... Với đạo diễn Chou Soo Pong, vở kịch lại kết chặt thêm mối lương duyên của ông với sân khấu Việt Nam.
Đạo diễn Chou Soo Pong (bìa phải) đang cùng diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam tập vở Hồng lâu mộng
PHÓNG VIÊN: Hồng lâu mộng là một câu chuyện dài có nhiều chương và bộ sách này được coi là bức tranh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc vào thời điểm ấy, trong khi đó thời lượng vở diễn lại có hạn, vậy ông sẽ chọn nội dung gì của tác phẩm để đưa lên sân khấu?
Đạo diễn CHOU SOO PONG: Tác phẩm Hồng lâu mộng dài, có nhiều chương với nhiều nội dung khác nhau, như câu chuyện về tham nhũng, sự không minh bạch trong điều hành xã hội, chuyện về khoảng cách giàu - nghèo, thảm kịch trong gia đình…, nhưng tôi chỉ chọn dựng những câu chuyện về tình yêu. Đó sẽ là nội dung cốt lõi khi dựng vở này. Tất nhiên bên cạnh tình yêu thì còn tình bạn, song câu chuyện tình yêu với những cảm xúc yêu thương, ghen tuông, ghen ghét… vẫn là trung tâm của vở diễn. Đơn giản bởi tôi đã được xem nhiều vở diễn có nội dung về tình yêu của Việt Nam trong hội diễn sân khấu cách đây 3 năm tại Thanh Hóa. Vì thế, tôi muốn một lần nữa làm về tình yêu để người xem có sự so sánh, cảm nhận thêm khía cạnh tình yêu từ một nền nghệ thuật khác.
Ở vở tuồng trước đây ông dựng cho Nhà hát Tuồng Hà Nội, người xem có thể dễ dàng nhận thấy thế mạnh của ông trong việc vận dụng vũ đạo và hát. Lần này, trong vở Hồng lâu mộng thì sao?
Trong vở này, một số đoạn diễn viên phải hát, phải có vũ đạo, lồng cảm xúc vào trong hát, múa để thể hiện những cảm xúc tình yêu nồng nàn, sâu sắc. Song vì đây là kịch nói, nên tôi chỉ dùng hát và vũ đạo theo kiểu điểm xuyết, làm phong phú thêm hình thức thể hiện của vở chứ không phải là mảng chính.
Khác biệt về ngôn ngữ và có những khoảng cách về văn hóa, vậy để vừa đảm nhận vai trò biên kịch lẫn đạo diễn cho vở này, ông có phải đối mặt với nhiều khó khăn?
Tôi đã làm việc ở Việt Nam một thời gian và đã quen được kha khá diễn viên ở đây. Tất nhiên, cũng có nhiều bạn đến khi làm dự án này tôi mới gặp, song vì chúng tôi đều là những con người của công việc nên cũng nhanh nắm bắt tính cách, tác phong làm việc của nhau. Tôi là người làm việc rất nghiêm túc, thẳng thắn và giám đốc của nhà hát lại là người hiểu vở kịch, hiểu tính chất của các vai diễn. Do đó, trong vở diễn này, những mong đợi của anh ấy cũng như kỳ vọng của tôi được đặt xích lại gần nhau hơn, để cùng hướng tới một mục tiêu cuối cùng là có được tác phẩm tốt.
Ông có gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa diễn viên cho các vai chính như Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc không?
Trước khi dựng Hồng lâu mộng cho Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi cũng dàn dựng vở Kiều cho Trường Sân khấu - Điện ảnh. Vì thế, những kinh nghiệm trong việc lựa vai cho những nhân vật thời xưa cũng đã có tích lũy. Với tôi, khi chọn diễn viên, nếu có được người có hình dáng bên ngoài giống và phù hợp với nhân vật thì tốt. Song, nếu không được thì chỉ cần diễn viên có bộ dạng giống, có cách biểu cảm, thể hiện giống là đạt, còn khuôn mặt tôi sẽ nhờ vào nghệ thuật hóa trang.
Với tôi, chọn diễn viên thì ấn tượng thoạt nhìn là rất quan trọng vì bản thân mỗi người đều toát lên khí khái, thần thái rất riêng, ít ai giống ai. Việc chọn được diễn viên phù hợp góp phần lớn vào việc giúp người xem cảm nhận được vai diễn tốt hơn. Đối với vở Hồng lâu mộng, mỗi diễn viên bên cạnh những biểu cảm về ngôn ngữ, hành động, cũng cần phải tuân thủ và thực hiện cho được lề lối, phong thái biểu hiện đặc trưng của đất nước sáng tạo ra tác phẩm. Đây là thách thức đối với diễn viên.
Có phải vì lý do này mà ông - với vai trò của đạo diễn - phải thường xuyên thị phạm cho diễn viên?
Không phải như vậy, việc hướng dẫn và thị phạm cho diễn viên chỉ là ở những thời điểm ban đầu. Khi ấy, tôi muốn minh họa, muốn cho họ thấy họ cần phải thể hiện nhân vật như thế nào. Việc thị phạm này chỉ dùng khi diễn viên chưa có thời gian để cảm và có thể hiểu vai diễn, giúp họ dễ hình dung hơn việc của mình. Khi họ đã cảm được rồi thì tôi để cho họ tự tư duy, sáng tạo để có được cách thể hiện tốt nhất. Tôi tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ.
Là một chuyên gia về văn hóa, điều gì khiến ông bén duyên với sân khấu Việt?
Tôi biết đến sân khấu Việt từ năm 1991, thông qua nghệ sĩ ballet Phạm Anh Phương trong một lần gặp gỡ tình cờ ở Hàn Quốc. Sau đó, năm 1993, tôi được mời đến Việt Nam để tổ chức cuộc hội thảo về nghệ thuật biểu diễn. Từ đó, như một mối lương duyên, những chuyến công tác của tôi đến sân khấu Việt Nam ngày một nhiều hơn. Với tư cách là một chuyên gia biểu diễn nghệ thuật ở Đông Nam Á, được tiếp xúc và làm việc nhiều với chèo, tuồng, cải lương…, từ đó tôi có niềm say mê đặc biệt với nền sân khấu phong phú của các bạn. Niềm đam mê ấy được nhân lên khi tôi được gặp gỡ nhiều người bạn yêu và am hiểu văn hóa Việt. Vì lý do này mà dù đã tham gia dựng nhiều vở diễn ở Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… tôi vẫn dành thời gian cho Việt Nam. Các bạn có nền văn hóa phong phú, diễn viên lại giỏi. Vì các tình yêu, tình bạn đó mà nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam đã thực hiện được các chuyến đi diễn, quảng bá văn hóa ra nước ngoài qua các mối quan hệ của tôi.
Ông có tham vọng đưa vở diễn Hồng lâu mộng ra nước ngoài?
Chắc chắn là như vậy. Cách đây 30 năm tôi đã làm vở Hồng lâu mộng ở một trường học nữ sinh, không chuyên nghiệp nên dựng vở rất lâu, mất 18 tháng. Và giờ tôi cũng một lần nữa nhận lời mời của Nhà hát Kịch Việt Nam để dựng lại vở này. Nhà hát có những nghệ sĩ rất giỏi, vì thế tôi tin rằng nó sẽ là một vở diễn ấn tượng.