Mối lo từ chó thả rông

Mặc dù pháp luật đã có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó, thế nhưng nhiều người vẫn thản nhiên thả rông hay không đeo rọ mõm cho chó ở đường phố, công viên… Tình trạng này khiến người dân lo lắng trong bối cảnh cả nước xuất hiện không ít ổ dịch chó dại.

Chó thả rông “dạo chơi”

Khi di chuyển qua một số tuyến đường, con hẻm, công viên… trên địa bàn TPHCM, không khó để bắt gặp hình ảnh chó thả rông, không đeo rọ mõm, không có xích giữ chó và chẳng có người dắt.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3) là nơi nhiều người đến tập thể dục, đi dạo. Tuy nhiên, không ít người dắt chó đến đây mà không xích giữ hay đeo rọ mõm cho chó, để vật nuôi của mình phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh. Ông Nguyễn Huy Thiện (ngụ phường 14, quận 3) cho biết tình trạng này diễn ra khá thường xuyên vào mỗi buổi chiều. Ông Thiện đồng tình với việc cơ quan chức năng tăng cường xử phạt các trường hợp chủ nuôi thả rông và không đeo rọ mõm cho chó khi đến nơi công cộng.

!4a.jpg
Chó thả rông, không rọ mõm dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3, TPHCM)

“Chủ đi trước còn chó chạy theo sau, nhiều con chó không rọ mõm và cũng không có dây xích. Trong xóm có một số nhà nuôi chó, vừa được thả ra là chó chạy qua sân nhà tôi phóng uế. Tôi báo phường, phường nói phải chụp hình chó đang phóng uế để làm bằng chứng”, ông Thiện chia sẻ.

Tương tự, ghi nhận trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), dù có chủ nuôi theo cùng hay không thì một số con chó vẫn không được đeo rọ mõm, chạy trên vỉa hè.

Chị Lê Thị Thanh Huyền (ngụ phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) thường đi bộ, tập thể dục tại công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), cho hay: “Trên vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ, không ít chủ dắt chó của mình đi dạo mà không đeo rọ mõm cho chúng. Đoạn đường này vào giờ tan tầm khá đông xe, chó thả rông có thể rượt người đi đường, gây tai nạn… Vừa rồi, tôi có theo dõi thông tin bệnh dại trên chó bùng phát ở một số nơi nên khá lo lắng”.

Hậu quả khó lường

Việc thả rông, không rọ mõm cho chó nơi công cộng có nguy cơ dẫn đến sự lây lan của nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Từ ngày 25 đến ngày 30-7, tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã ghi nhận 3 ổ dịch dại trên chó. Hậu quả là 10 người phơi nhiễm với bệnh dại do bị 3 con chó dại cắn. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại theo quy định.

Vào tháng 6-2024, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) thông tin, bệnh nhân Điểu KRốt (ngụ huyện Bù Đăng), 1 trong 6 trường hợp bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm ngừa, đã tử vong. Ngay khi nghe tin ông Điểu KRốt tử vong, nhóm 5 người cùng bị chó dại cắn đã đi tiêm huyết thanh và vaccine.

Cũng chỉ trong tháng 7-2024, có 60 trường hợp trẻ em ở tỉnh Phú Yên bị chó tấn công, nhiều trường hợp phải cấp cứu, nhập viện điều trị dài ngày. Hay mới đây, ngày 14-8, Trung tâm Y tế huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) đã xác nhận có 11 người vừa bị một con chó tấn công. Lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm tìm virus, và ngày 13-8, mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với virus dại...

Đồng tình với quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TPHCM, Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng, pháp luật đã quy định rất rõ và có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng. Chủ vật nuôi không tuân thủ quy định có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Trường hợp chó cắn người gây thương tích, chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với trường hợp chó cắn chết người, chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, việc không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức.

Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TPHCM do Sở NN-PTNT gửi UBND TPHCM có một số đề xuất nổi bật: Phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip; chó, mèo nhập về nuôi mới phải thực hiện đăng ký trong vòng 3 ngày hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp đưa chó ra nơi công cộng thì phải rọ mõm, không thả rông…


Theo thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên, tình trạng trẻ em bị chó cắn trên địa bàn tỉnh đang tăng rất cao. Chỉ trong tháng 7-2024, toàn tỉnh có 60 trẻ em bị chó cắn đến bệnh viện này để khám, điều trị, nhiều trường hợp bị thương rất nặng.

Trong đó, có trường hợp con trai 7 tuổi của chị Đào Thị Duy Trúc (ngụ thị xã Đông Hòa, Phú Yên) bị chó cắn, nhập viện cấp cứu với vết thương rất nặng ở khu vực trán và sọ dài 15cm, rộng 10cm. Các bác sĩ đã kịp thời khâu vết thương, tiêm huyết thanh kháng dại và điều trị kháng sinh cho cháu bé.

XUÂN HUYÊN

Tin cùng chuyên mục