Căng thẳng thương mại không giảm
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục ảm đạm, buộc nhiều ngân hàng trung ương phải đảo ngược tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ để bảo vệ sự phục hồi kinh tế. Theo Financial Times, một chuỗi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ Mỹ, Anh và khu vực đồng EUR (Eurozone) hôm 3-10 đã khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng các ngân hàng trung ương có thể bị động trước tác hại của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chỉ số tiêu dùng và chỉ số sản xuất của Mỹ trong tháng 9 đều giảm mạnh, trong đó chỉ số tiêu dùng giảm sâu nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Chỉ số sản xuất trong tháng 9 của Nhật Bản và Ấn Độ, 2 nền kinh tế lớn của châu Á và thế giới cũng giảm. Sức tiêu dùng và dịch vụ, nền tảng của hầu hết các nền kinh tế phát triển, từ lâu đã được chứng minh là tương đối độc lập trước sự xuống dốc của sản xuất công nghiệp, tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy điều này không còn đứng vững. Sức tiêu thụ hàng hóa của các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Liên minh châu Âu (EU) đang giảm rõ rệt. Các nhà kinh tế còn lo ngại kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đang bước vào giai đoạn suy thoái.
Những lo ngại gia tăng về suy thoái kinh tế toàn cầu, tiềm năng trong năm 2020 dẫn đến việc nhiều nước tung ra nhiều gói kích thích tiền tệ hơn. Các thị trường chứng khoán trên thế giới đã đồng loạt giảm sau khi các dữ liệu kinh tế ảm đạm được công bố, với chỉ số S&P 500 tại sàn chứng khoán New York giảm hơn 1%; chỉ số FTSE của châu Âu đã giảm hơn 2% giá trị trong suốt tuần này. Lãi suất trái phiếu của các chính phủ mặc dù an toàn hơn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Lãi suất trái phiếu kho bạc thời hạn 10 năm của Mỹ giảm 6,5 điểm cơ bản, giao dịch ở mức 1,53%, trở lại gần mức thấp kỷ lục. Trong khi lãi suất trái phiếu chuẩn của Anh và Đức giảm xuống còn 0,47% và 0,59%.
Suy thoái vào năm 2020?
Chuyên gia kinh tế tài chính tại MUFG Chris Rupkey cho biết, nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng. Còn theo các nhà đầu tư chứng khoán, sự xuống dốc trong lĩnh vực sản xuất đang bắt đầu lan rộng hơn sang các lĩnh vực khác, nhất là với các nền kinh tế sử dụng hàng triệu công nhân trong các ngành dịch vụ. Tại Mỹ, các nhà tuyển dụng tư nhân cho biết có thêm 135.000 việc làm vào tháng 9, giảm so với 157.000 vào tháng 8. Theo Bloomberg, số việc làm được tạo ra trong nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới. Ông Jim Caron, nhà quản lý quỹ trái phiếu tại Morgan Stanley Investment Management, cho biết tăng trưởng toàn cầu đang chịu nhiều áp lực lớn về thương mại và FED có khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa. Ông vẫn lạc quan rằng dữ liệu kinh tế có thể cải thiện, nhưng cho biết điều này phụ thuộc vào các căng thẳng thương mại có được giải quyết hay không.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục đánh thuế trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc. Khoảng 4,4 tỷ USD hàng hóa là tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các khoản thuế bổ sung. Theo Bộ Thương mại Mỹ, đồ gỗ Trung Quốc bán trên thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá hợp lý. Thông báo mới nhất là một trong các trường hợp theo yêu cầu của các công ty Mỹ tuyên bố bị tổn thương do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các khoản tiền sẽ được trả lại nếu Bộ Thương mại Mỹ đảo ngược quyết định của mình hoặc nếu Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ nhận thấy các khoản trợ cấp không gây hại cho ngành công nghiệp Mỹ.