Sáng 16-1, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1997-2017.
Báo cáo tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết, từ năm 1997 đến nay, quy mô mạng lưới trường lớp được quy hoạch ngày càng hợp lý, cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Tỉ lệ giáo viên trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng tăng. Các trường tiểu học đã triển khai thực hiện đầy đủ, có chất lượng các hoạt động giáo dục và phong trào thi đua. Tính đến nay, TPHCM có 64 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT cũng thừa nhận, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề diện tích đất đai trước áp lực gia tăng dân số. Nguồn lực đầu tư tại các địa phương còn nhiều hạn chế. Nhiều trường học có quy mô nhỏ, diện tích chật hẹp nhưng không thể mở rộng. Việc duy trì chuẩn của các trường đã đạt chuẩn chưa thật sự bền vững.
Hầu hết các trường tiểu học, đặc biệt những trường đã đạt danh hiệu chuẩn quốc gia không đảm bảo được số lớp (vượt quá 30 lớp), sĩ số học sinh trên lớp (vượt quá 35 học sinh/lớp) theo tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia.
Một số trường đạt chuẩn quốc gia tại các quận, huyện như Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn… được xây dựng trên mặt nền thấp so với khu vực chính vì thế thường xuyên bị ngập khi có trời mưa và những lúc triều cường.
Hoạt động xã hội hóa giáo dục nhìn chung có chuyển biến song chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của ngành. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều, một số giáo viên lớn tuổi ngại đổi mới nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn hạn chế. Tỉ lệ giáo viên trên lớp chưa đảm bảo do còn khó khăn về biên chế.
Trước những bất cập trên, bà Huỳnh Thị Kim Trang cho biết, trong thời gian tới, Sở GD-ĐT TP sẽ có chiến lược đầu tư cho việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia bằng nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để chăm lo sự nghiệp giáo dục.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, TP sẽ tập trung các điều kiện, mọi nguồn lực để xây dựng, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia tại các quận, huyện để nâng cao chất lượng dạy học, hướng tới sự phát triển toàn diện cho học sinh. Trong đó, yêu cầu về cơ sở vật chất đòi hỏi từng quận, huyện phải có cách làm sáng tạo.
Riêng vấn đề về biên chế, thực hiện chỉ đạo chung của nhà nước là từ nay đến năm 2020 sẽ cắt giảm 10% biên chế, ngành giáo dục cũng không ngoại lệ, trong đó các trường chuẩn quốc gia sẽ được định hướng đi đầu.