Đáng lo ngại, tình trạng NKBV đang diễn ra vô cùng phức tạp, căng thẳng tại nhiều BV từ trung ương tới địa phương, gây ra thách thức không nhỏ trong công tác khám chữa bệnh. Mới đây nhất, sự cố y khoa bất thường khiến 4 trẻ sơ sinh liên tiếp tử vong chỉ trong ít giờ tại BV Sản nhi Bắc Ninh khiến cho dư luận không khỏi hoang mang và lo lắng trước mối nguy hiểm của NKBV gây ra. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, tất cả 4 trường hợp trẻ tử vong ở Bắc Ninh đều có nguyên nhân bị nhiễm khuẩn nặng.
Mỗi năm cả nước có khoảng 600.000 bệnh nhân nhập viện là nạn nhân của NKBV. Theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tỷ lệ NKBV chung là 3,6%, cao nhất ở tuyến tỉnh, tiếp đó là tuyến trung ương, rồi mới tới tuyến huyện. Tuy nhiên, khảo sát do BV Bệnh nhiệt đới trung ương thực hiện trên 4.000 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 BV trong cả nước lại cho kết quả rất đáng quan ngại, khi tỷ lệ NKBV lên tới 27,3% và các BV tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao hơn BV tuyến cơ sở.
Mặc dù các kết quả, số liệu nghiên cứu khảo sát có thể khác nhau, nhưng thực tế không thể phủ nhận là tình trạng NKBV có liên quan trực tiếp tới công tác chăm sóc y tế và trở thành gánh nặng cho người dân, cũng như cho các cơ sở khám chữa bệnh. Bởi NKBV gây ra bội nhiễm cho bệnh nhân và khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng ngày càng kháng nhiều loại thuốc, nhất là kháng sinh. Điều này dẫn tới người bệnh có nguy cơ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, chăm sóc vất vả hơn và chi phí điều trị cũng tốn kém hơn nhiều. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, NKBV làm kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày, với viện phí phát sinh ước tính là khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Con số này không hề nhỏ và là gánh nặng lớn đối với một nước có mức thu nhập đầu người còn khiêm tốn như Việt Nam.
Tình trạng NKBV đang làm giảm chất lượng dịch vụ y tế và uy tín BV, gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh, nhưng công tác ngăn chặn, kiểm soát NKBV lại chưa được Bộ Y tế và các BV quan tâm đúng mức. Hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 70% số BV xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn hàng năm. Tuy nhiên, trong đó chỉ có hơn 37% số BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong toàn BV và chưa đầy 24% BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn mắc mới tại các khoa trọng điểm.
Do đó, để có thể kiểm soát tiến tới ngăn chặn được tình trạng NKBV, ngoài việc tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu BV trong việc xây dựng môi trường BV “Xanh - Sạch - Đẹp”, còn đòi hỏi Bộ Y tế cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Tăng cường đầu tư cải thiện hạ tầng, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất của BV để kiểm soát nhiễm khuẩn, tập trung vào các đơn vị hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh, ngoại khoa, cũng như hệ thống xử lý rác thải, nước thải và nước sinh hoạt. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao ý thức để mọi nhân viên y tế, y bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc người bệnh.