Người nghiện ngày càng trẻ hóa
Mới đây, chiều 30-3, tại An Giang, một thanh niên 23 tuổi có biểu hiện ngáo đá, dùng dao đâm cha ruột trọng thương. Trước đó, ngày 29-3, Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) bắt giữ nam thanh niên ngáo đá tấn công cảnh sát, đốt cháy tiệm tạp hóa. Đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc đau lòng do hậu quả của ma túy đá gây nên.
Công an quận Bình Tân, TPHCM khống chế một đối tượng dương tính với ma túy dùng dao đâm 3 người bị thương. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB-XH) cho thấy, năm 2022, cả nước có hơn 262.000 người nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Còn theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, Bộ Công an, hiện nay, trong số người nghiện ma túy ở nước ta, có 70%-80% người nghiện là sử dụng ma túy tổng hợp. Đáng lo ngại, số người nghiện đang ngày càng trẻ hóa. Trong số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì dưới 16 tuổi chiếm 0,1%; từ 16 đến dưới 35 tuổi chiếm 76%. Khảo sát tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng, độ tuổi bắt đầu sử dụng ma túy đá của nhiều thanh thiếu niên từ 16,4 tới 17,3 tuổi. Một khảo sát khác cho thấy, có 47% học sinh cho rằng, ma túy đá, ma túy tổng hợp không gây hại, không gây nghiện.
Tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân (TPHCM), từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm đơn vị tiếp nhận cắt cơn, giải độc và chăm sóc sức khỏe cho 6.000 người cai nghiện ma túy. Trong số này, tình trạng người nghiện ma túy có biểu hiện rối loạn tâm thần đều tăng qua các năm. Theo các bác sĩ điều trị tại đây, người nghiện ma túy tổng hợp có đặc điểm chung là diễn biến tâm lý phức tạp như trầm cảm, lo lắng, ám ảnh, cáu gắt, trí nhớ kém, mê sảng, lời nói khó hiểu, tự hủy hoại thân thể... Nhiều học viên có hành vi hung hăng, to tiếng trong giao tiếp, gây sự đánh nhau với các học viên khác. 90% số vụ việc học viên gây rối có tiền sử loạn thần hoặc đang điều trị loạn thần. Bà L.X.M. (55 tuổi, ngụ quận 8, mẹ của một bệnh nhân 19 tuổi đang điều trị cắt cơn nghiện tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân) bày tỏ: “Ma túy đá khiến con tôi như hóa điên. Lúc thì nó ngồi ủ rũ khóc một mình, lúc thì gào thét, đập phá đồ đạc, đuổi đánh cả bố mẹ và anh chị em”.
Gây loạn thần, tổn thương não
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây, chất gây nghiện chủ yếu là thuốc phiện, sau thêm heroin nhưng hiện nay có tới hàng trăm loại ma túy tổng hợp khác nhau được ngụy trang, đội lốt dưới rất nhiều hình thức như thuốc lá điện tử, cần sa, cỏ Mỹ, nước vui, thuốc lắc, kẹo ngọt, nấm ảo giác, khí cười… Còn theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, ma túy đá kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác cho người sử dụng, làm thay đổi cách cư xử, thái độ của người nghiện. Nguy hiểm hơn, các chất kích thích của ma túy đá có độc tính cao đối với não, nếu sử dụng lâu dài người nghiện dễ bị các bệnh tâm thần, trầm cảm, hoảng loạn. Loạn thần hay còn gọi là “ngáo đá” được chia làm 2 trạng thái chính: người bị “ngáo đá” có thể bị trầm cảm, luôn ở trong trạng thái lo âu, buồn chán ở một mình và có thể dẫn đến tự sát. Bên cạnh đó, người “ngáo đá” bị lâm vào ảo giác, hoang tưởng, tâm thần, thần kinh bị kích động mạnh, đối tượng thường gào thét, leo trèo, đánh người vô cớ, thậm chí giết người…
Hiện trên thế giới chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị nghiện ma túy đá và cũng không có một tiêu chuẩn nhất định về thời gian điều trị dứt điểm loạn thần. Thời gian điều trị loạn thần tùy thuộc từng trường hợp, có người đáp ứng tốt, người đáp ứng kém, thậm chí không đáp ứng. Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Điều trị nghiện, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị cho người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy đá, yếu tố quan trọng nhất là gia đình và cộng đồng. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm tận tình, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều, cũng như giảm khả năng bệnh nhân tái nghiện. “Hiện người bệnh rối loạn tâm thần do ma túy đá, thuốc lắc được điều trị theo phác đồ cụ thể của Bộ Y tế, thời gian từ 7-12 ngày. Tùy từng tình trạng bệnh, người bệnh được điều trị bằng hóa dược, liệu pháp tâm lý, điều biến não. Điều biến não là dùng dòng điện kích thích vào não người bệnh, khi được kết hợp với thuốc thì tình hình bệnh của người bệnh tiến triển tốt hơn”, bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết.
Biểu hiện lâm sàng của “ngáo đá”
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), biểu hiện lâm sàng của loạn thần do ma túy rất đa dạng, tùy thuộc vào chất ma túy mà người nghiện sử dụng và loạn thần xuất hiện. Ảo giác do ma túy thoạt đầu thường chỉ là những tiếng “o..o...” hay “u..u...” ở bên tai bệnh nhân, xuất hiện bất chợt. Dần dần, những ảo thanh thô sơ đó xuất hiện ngày càng nhiều trong ngày, cường độ ảo thanh mạnh dần và ngày càng phát triển dần thành ảo thanh lời nói. Bệnh nhân nghe thấy những tiếng người nói chuyện với nhau xào xạc bên tai mình. Các tiếng nói có thể nói về bệnh nhân: khen, chê, nguyền rủa, dọa nạt bệnh nhân hoặc xúi giục, ra lệnh có tính cưỡng bức cho bệnh nhân làm một điều gì đó nguy hiểm như treo cổ, trèo lên cột điện cao thế, giết người... Do đó, nhiều trường hợp không giữ được, bị ảo thanh chi phối đã có các hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Mua bán, sử dụng ma túy diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phát hiện 26.967 vụ, bắt giữ 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 809kg heroin, 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867kg cần sa và trên 1 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy.
Ma túy cùng tang vật bị công an thu giữ |