Mời gọi xúc tiến đầu tư hàng loạt tuyến Metro

TPHCM cần sớm triển khai quy hoạch và thiết kế đô thị theo mô hình TOD để nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP.

Ngày 1-3, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn 2050, MAUR kiến nghị TP cần sớm triển khai quy hoạch và thiết kế đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) để nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP.

Thời gian tới, MAUR mời gọi đầu tư các tuyến metro. Ảnh: QUỐC HÙNG

Thời gian tới, MAUR mời gọi đầu tư các tuyến metro. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo MAUR, TOD là chiến lực phát triển tích hợp đô thị với hệ thống giao thông công cộng rất hiệu quả, góp phần tăng lượng hành khách sử dụng hệ thống giao thông công cộng, đi bộ và xe đạp, giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

Bên cạnh đó, TOD sẽ phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500m từ các nhà ga đường sắt đô thị nên TOD là một giải pháp tài chính mang tính chiến lược trong việc huy động và tối ưu hóa nguồn lực từ khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Hiện nay, MAUR đã và đang tiếp xúc nhiều nhà tư vấn để triển khai nghiên cứu xây dựng chiến lược thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, như: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, một số nghiên cứu của các chuyên gia trong nước. Căn cứ trên các kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá cao việc phát triển TOD tại các khu vực nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị và một số khu vực lân cận để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực, vùng của TP.

Thời gian tới, MAUR ưu tiên tập triển khai 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail); 7 Depot (bãi đỗ tàu) cho các tuyến đường sắt đô thị và 3 Depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc monorail.

TPHCM tập trung triển khai hàng loạt tuyến metro. Ảnh: QUỐC HÙNG

TPHCM tập trung triển khai hàng loạt tuyến metro. Ảnh: QUỐC HÙNG

Cụ thể, từ nay đến năm 2030 và sau năm 2030, tập trung triển khai 2 dự án, gồm dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án tuyến Tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Bên cạnh đó, MAUR cũng đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3a giai đoạn 1 (Bến Thành - Khu Y tế kỹ thuật cao) thuộc dự án tuyến 3a (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) và kêu gọi xúc tiến đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại.

Để việc quy hoạch TPHCM đạt chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, theo MAUR cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác thu hút vốn đầu tư công và áp dụng, làm chủ kỹ thuật, công nghệ cho thi công tàu điện ngầm.

Tin cùng chuyên mục