Ngày 1-2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị TPHCM. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng lãnh đạo các sở ban ngành và các nhà đầu tư.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mời gọi 6 dự án với tổng mức đầu tư hơn 19.024 tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, nhóm các dự án triển khai thực hiện chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP, gồm 6 dự án mời gọi đầu tư, số lượng các căn nhà di dời là 6.223 căn, quy mô đầu tư dự kiến 19.024 tỷ đồng. Với các dự án này, bên cạnh việc giải tỏa nhà trên kênh và ven kênh, thì được mở rộng biên giải phóng mặt bằng, tạo và khai thác quỹ đất cho nhà đầu tư tham gia dự án.
Cũng theo ông Trần Trọng Tuấn, trình tự thực hiện dự án đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật, sẽ nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, mời nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất dự án, trình phê duyệt dự án…, sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, triển khai dự án.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Sử Ngọc Anh đề xuất TP cần rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tổ chức đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới; nghiên cứu, thành lập cơ quan cải tạo và chỉnh trang đô thị TPHCM.
Di dời, chỉnh trang nhà trên kênh rạch là mục tiêu hàng đầu của TPHCM trong thời gian tới
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư được Chính phủ giao sửa đổi Nghị định 15 và Nghị định 30.
Dự kiến trong tháng 2 này Thủ tướng sẽ ký ban hành sửa đổi Nghị định 15. Đối với hình thức đầu tư BT sẽ có rất nhiều sửa đổi, như đối với các dự án BT nhóm A thì chủ trương quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, còn lại là thuộc thẩm quyền của HĐND TP và UBND TP; và thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đơn giản hơn rất nhiều so với quy định về đầu tư công.
Điểm mới tiếp theo là bổ sung các phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong các hợp đồng BT. Theo quy định trước đây là chỉ sử dụng quỹ đất nhưng nay sẽ mở rộng thêm các hình thức - công cụ thanh toán khác.
Đặc biệt, quy định mới sẽ bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư, bởi vì về mặt pháp lý hợp đồng ký với cơ quan thẩm quyền có giá trị pháp lý cao nhất, là cơ sở ứng xử của hai bên trong quá trình thực hiện dự án…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: hcmcpv
Cải tạo tại chỗ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cách nay 3 tháng, TP đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư và xử lý rác.
Kết quả hội nghị rất tốt, các nhà đầu tư đến giới thiệu công nghệ thể hiện quyết tâm cùng TP tham gia đấu thầu, biến rác thành điện; khi thực hiện được trong năm nay, thì từ 2019 trở đi TP sẽ bớt áp lực về rác rất nhiều.
Với tinh thần như vậy, với đặc điểm khác, là cải tạo, chỉnh trang đô thị trên kênh rạch, hội nghị này rất có ý nghĩa. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, báo cáo kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc cải tạo đô thị có phần trên kênh rạch và cả phần không ven kênh rạch là hết sức có ý nghĩa. Nước ta với Nhật Bản giống nhau về áp lực nhà đất. Bên họ núi lửa - đất ít, còn mình dân số tăng nhanh, nên áp lực về đô thị rất lớn. Riêng TPHCM, 20 năm qua, trung bình cứ 5,5 năm là dân số tăng thêm 1 triệu người, nhưng chúng ta không hề có kế hoạch đưa 1 triệu người đi ở đâu, như vậy chưa ổn.
Vì thế Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng với Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải chủ động, phải cho biết được rằng trong 5 năm tới dân số TP tăng thêm 1 triệu người thì họ sẽ ở đâu, đi lại thế nào, trường học ở đâu, bệnh viện ở đâu... 20 năm nữa, có khi tốc độ tăng dân số vẫn như thế, đây chính là “bài toán khủng khiếp” mà chúng ta phải tính đến.
TPHCM mời gọi đầu tư nhiều dự án chỉnh trang đô thị
Vấn đề tiếp theo, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích, trong 6 dự án TP kêu gọi đầu tư, trừ dự án rạch Xuyên Tâm đã giao nhà đầu tư, các dự án còn lại tiếp tục kêu gọi đầu tư có tính chọn lựa cạnh tranh.
Sắp tới, khi Chính phủ ban hành các nghị định thay thế các nghị định cũ, TP sẽ có đầu bài, cơ chế tài chính rõ ràng, cụ thể để kêu gọi tham gia đầu tư. Đối với rạch Xuyên Tâm, nếu nảy sinh khó khăn thì xem xét hỗ trợ để triển khai sớm; 5 dự án còn lại tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, phấn đấu trong năm 2018 kêu gọi đầu tư được 4 dự án.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu UBND TP có chương trình tập huấn đối với các cán bộ liên quan làm quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải xung quanh kinh nghiệm từ Nhật Bản trong việc sắp xếp đô thị.
Bài học của Nhật Bản là không di dời người dân đi chỗ khác, mà cải tạo đô thị ngay trên chính phần đất hiện hữu. Ngoài ra, có thể mời các chuyên gia Hàn Quốc tư vấn thêm. Phương châm là ở đâu chỉnh trang ở đó, không dời dân đi chỗ khác, nhưng kết quả cuối cùng là đất được sử dụng hiệu quả hơn, giá trị đất tăng thêm, thêm hồ nước, thêm cây xanh…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu đến quý 3-2018, TP tổ chức tập huấn, sau đó có thể thuê phía bạn tư vấn cải tạo ở một hoặc 2 quận một cách đồng bộ. Cải tạo tại chỗ, không di dời dân đi nơi khác. UBND TP tiếp thu xây dựng đề án, đầu bài để thực hiện chỉnh trang đô thị theo phương thức hợp tác công tư, báo cáo Thường vụ Thành ủy, thống nhất được dự án nào sẽ công bố mời gọi đầu tư dự án đó.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Thành ủy tìm mọi phương thức mới, cơ chế mới, từ kinh nghiệm quốc tế và bản thân nội tại của TP để giải quyết một vấn đề đặc thù của TP, đó là nhà trên kênh rạch.
Giải quyết thế nào để người dân có chỗ ở tốt hơn, có điều kiện việc làm tốt hơn, thoát nước được giữ vững, có thêm điều kiện để phát triển giao thông, có thêm nhà, có thêm những cơ sở đô thị phục vụ người dân. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng phải phấn đấu từng bước trở thành nơi đáng sống nhất.
UBND TPHCM tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các chuyên gia, cam kết tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận những chính sách để thực hiện dự án một cách công khai, minh bạch. TP sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức đấu thầu triển khai dự án.