ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính uỷ Quân khu 7 nhận định, dự án Luật đã được xây dựng trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, đặc biệt chú trọng đến vai trò của nhân dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới.
Theo ĐB, dự án Luật là văn bản thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, với quan điểm cho rằng việc bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, ông Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo Luật nội dung về trách nhiệm của các tỉnh thành khác (bên cạnh các địa phương sát đường biên), sự phối hợp giữa các lực lượng trong việc xây dựng các công trình khu vực biên giới trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Lưu ý đến nội dung về nhiệm vụ của BĐBP là được kiểm soát hàng hóa khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình. Theo ĐBQH, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) lưu ý, cần làm rõ, hàng hóa ở đây không phải là hàng hoá đại trà, mà chỉ khi có dấu hiệu vi phạm của tội phạm, lực lượng biên phòng sẽ kiểm tra. Quy định này không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và cũng không gây ra sự chồng chéo với hoạt động hải quan.
ĐBQH, Trung tướng Trần Việt Khoa (Hà Nội), Giám đốc Học viện Quốc phòng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ, dùng văn phong chặt chẽ, tránh trùng lặp, làm sao luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, thực sự đi vào cuộc sống. Ông nói: "Đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các bộ ngành và đặc biệt là 44 tỉnh có đường biên giới trên biển, biên giới đường bộ và có lực lượng biên phòng, để hoàn thành một dự luật đáp ứng mong mỏi của nhân dân và đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới”.