Ngày 4-12-1999, tại hội nghị lần thứ 23 ở thành phố Marrakesh (Maroc), Tổ chức Khoa học, Giáo dục, Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã vinh danh Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là DSVH thế giới. Sau đó 10 năm, ngày 26-5-2009, Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cũng theo ông Đinh Văn Thu, để Mỹ Sơn – Hội An – Cù Lao Chàm mãi mãi là niềm tự hào của cả nước, tỉnh Quảng Nam quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản, đẩy mạnh công cuộc bảo vệ di sản gắn với nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức trong và ngoài nước để giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cùng tài nguyên sinh thái bản địa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Các di sản văn hóa được UNESCO công nhận không chỉ đem lại sinh kế thu nhập cho ngành du lịch, mà quan trong và thiêng liêng hơn tất cả đó là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc của chúng ta về lịch sử hình thành và phát triển của đất nước”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để tiếp tục bảo tồn và phát huy bền vững các di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, tỉnh Quảng Nam cần tập trung làm tốt một số nội dung gồm: tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn; cần hướng đến mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản, luôn giải quyết hài hòa giữa bảo vệ phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản, điều này sẽ tác động tích cực trở lại đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tăng cường nghiên cứu, sớm ban hành, thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định UNESCO và Nghị định số 129 ngày 21-9-2017 của Chính phủ quy định về Bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xây dựng triển khai các dự án chương trình đầu tư, nghiên cứu và bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước về nguồn nhân lực, đặc biệt là về vốn, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đối với việc quản lý tu bổ, tôn tạo di sản.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế, môi trường…