Các vụ nổ trên bề mặt Mặt trời giải phóng ra vũ trụ tia X, các hạt năng lượng và các loại khí được gọi là khối lượng đăng quang (CME). Tia X chỉ mất khoảng 8 phút là tới Trái đất, còn CME mất 2-3 ngày.
Nếu bất cứ thứ nào trong số này chạm tới Trái đất, chúng có thể làm gián đoạn hệ thống liên lạc, vô hiệu hóa điện thoại, mạng Internet và toàn bộ cơ sở hạ tầng thông tin. Đặc biệt đáng quan ngại là các hệ thống định vị toàn cầu. Tình trạng gián đoạn có thể đe dọa tới sự an toàn của máy bay, thiết bị bay không người lái và xe tự hành.
Theo đài NHK, tháng 1 vừa qua, Bộ Nội vụ Nhật Bản đã thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu cách thức tốt hơn để đánh giá rủi ro và giảm thiểu thiệt hại từ quầng lửa Mặt trời. Ông Yamaguchi Shingo, một quan chức của bộ, cho biết: “Chúng tôi muốn xem xét cách thức để phòng ngừa những tác động lớn có thể làm tê liệt hoạt động kinh tế ở Nhật Bản”. Đây là mối quan ngại có cơ sở khi xét tới những tác động nghiêm trọng trong quá khứ.
Năm 1989, hàng triệu người ở Quebec, Canada đã chịu cảnh mất điện khi một trận bão từ đánh sập mạng lưới điện trong khoảng 10 giờ. Một vụ việc tương tự xảy ra ở Thụy Điển vào năm 2003; và cũng trong năm này, một vệ tinh của Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản đã bị hư hại một số tính năng.
Công ty viễn thông khổng lồ NTT của Nhật Bản đang theo dõi sát sao, tìm hiểu hạt năng lượng và những hiện tượng khác được tạo ra từ quầng lửa Mặt trời ảnh hưởng ra sao tới thiết bị điện tử. Ông Iwashita Hidenori, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, việc cải thiện dự báo là vô cùng quan trọng để ứng phó với các vấn đề trong tương lai. “Chúng tôi luôn quan ngại liệu quầng lửa Mặt trời có ảnh hưởng tới các thiết bị của chúng tôi không, nên khả năng dự báo tốt hơn sẽ vô cùng hữu ích”, ông Hidenori nói.
Cộng đồng quốc tế cũng đang quan tâm vấn đề này. Năm 2015, Liên hiệp quốc thông qua một văn bản có tên Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thảm họa. Trong danh sách được công bố năm ngoái về các thảm họa liên quan tới khuôn khổ này, thời tiết vũ trụ được nêu tên cùng với các mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với sự sống, trong đó có động đất, sóng nhiệt và Covid-19.
Thời tiết vũ trụ hiếm khi được nhắc tới khi các lãnh đạo thế giới thảo luận về những mối đe dọa cận kề đối với sự sống trên Trái đất. Nhưng phía sau cánh gà, các quan chức hàng đầu của các nước đang ngày càng quan ngại về quầng lửa Mặt trời. Mỹ, Anh và Trung Quốc nằm trong số nhiều nước cực kỳ quan tâm vấn đề này. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc thông báo đã cùng Nga thành lập một trung tâm thời tiết vũ trụ nhằm theo dõi các mối đe dọa từ vũ trụ.
Gần đây, Mặt trời đã bước vào chu kỳ hoạt động mới, trong đó đỉnh điểm là các quầng lửa Mặt trời lớn vào khoảng năm 2025. Thời gian không còn nhiều trong khi thế giới tìm cách đẩy mạnh khả năng bảo vệ và phòng ngừa trước thảm họa.