Ngày 16-2, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra cuộc tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV”.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì tọa đàm |
Tại tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, cần xác định rõ hơn lực lượng tham gia truyền thông về hoạt động của Quốc hội: Ai tham gia công tác truyền thông và đối tượng hướng đến là ai? Cần phải nhấn mạnh hơn sự tồn tại và vai trò của báo chí cách mạng trong điều kiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
“Hơn lúc nào hết, báo chí phải phát huy được sức mạnh, trách nhiệm rất quan trọng của mình trong định hướng dư luận xã hội, nếu không sẽ bị hỗn loạn về thông tin. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa về truyền thông chính sách để các quyết sách từ Quốc hội ban hành, sau đó Chính phủ thực hiện, Quốc hội giám sát người dân đều được biết”, ông Hồ Quang Lợi phát biểu.
Đại biểu dự toạ đàm |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, cần lựa chọn công cụ truyền thông phù hợp với nội dung sáng tạo, hấp dẫn để đạt hiệu quả cao nhất. “Hoàn toàn có thể đo được lượng người xem trên các kênh truyền thông. Kênh nào hiệu quả hơn thì tập trung đầu tư, tránh dàn trải”, ông nói.
Trong khi đó, nguyên ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, các vị ĐBQH trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình chính là những “kênh” truyền thông vô cùng hiệu quả, có ảnh hưởng mạnh mẽ. “Người dân có tín nhiệm Quốc hội hay không là nhìn vào ĐBQH”. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng, hiện dự thảo đề án chưa làm rõ vai trò của ĐBQH thông qua công tác truyền thông, do đó, cần nhấn mạnh hơn nữa nội dung này.
Nguyên đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu tại tọa đàm |
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến ĐB nhấn mạnh sự bùng nổ truyền thông xã hội tác động đến truyền thông của Quốc hội. Hoạt động của Văn phòng Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội, các ban của UBTVQH rất thường xuyên, liên tục nhưng công tác truyền thông đến với công chúng về những hoạt động này còn hạn chế. Do vậy, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh truyền thông để cho người dân hiểu Quốc hội hoạt động thường xuyên, liên tục, thường nhật chứ không phải chỉ “xuân thu nhị kỳ”.
Cùng quan điểm, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, cần có quy chế hoạt động báo chí trước, trong và sau các kỳ họp cũng như khi ban hành chính sách; đồng thời, phải tăng cường tính tương tác giữa cử tri với Quốc hội thông qua báo chí.