Mỗi công dân sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID

Chiều 2-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, 2 tiện ích trên đã được thí điểm thành công tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được nhân dân 2 địa phương đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực, đủ điều kiện triển khai nhân rộng toàn quốc.

Tại hội nghị, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đánh giá, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và tiến tới bệnh án điện tử sẽ mang lại hiệu quả, tác động rất to lớn. Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai ước tính mỗi năm cần 50 tỷ đồng để mua phim cho chiếu chụp, vừa tốn kém, ảnh hưởng môi trường, khó lưu giữ lâu. Với sổ sức khỏe điện tử, các bệnh viện có thể căn cứ dữ liệu liên thông để đưa ra các quyết định như bệnh nhân có cần chuyển tuyến không. Bệnh viện Bạch Mai muốn tiến tới thí điểm bệnh án điện tử và nếu thành công sẽ hướng dẫn các bệnh viện khác.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các thành tựu nổi bật của chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thời gian qua đã tạo động lực, truyền cảm hứng, củng cố niềm tin của nhân dân. Trong đó, thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa.

C2a.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc, chiều 2-10. Ảnh: VIẾT CHUNG

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp gần 700 thủ tục hành chính; đã cung cấp thêm 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến; đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; 23/25 dịch vụ công thiết yếu được thực hiện toàn trình... giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm.

Kinh tế số, xã hội số có sự phát triển mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%); 100% tuyến cao tốc thu phí điện tử không dừng, 96% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản… Chuyển đổi số đã đến từng bộ, ngành, địa phương; lan tỏa từng nhà, từng người; thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, hoạt động kinh tế, xã hội.

Về 2 tiện ích thí điểm qua VNeID, đến nay đã tạo lập được 32,1 triệu sổ sức khỏe cho người dân, trong đó 14,6 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử qua VNeID. Trong hơn 4 tháng triển khai thí điểm đã tiếp nhận hơn 50.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương Hà Nội và Thừa Thiên Huế…

Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế và 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử; 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành quyết liệt triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024; khẩn trương nâng cấp hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo kết nối thông suốt với các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hoàn thành trong năm 2024...

Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024; đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID; nghiên cứu xây dựng sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ; hướng dẫn các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, nghiên cứu thiết lập bệnh án điện tử cho tất cả công dân.

TPHCM sẵn sàng cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

Phát biểu tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, TPHCM đã sẵn sàng triển khai cấp lý lịch tư pháp (LLTP) qua ứng dụng VNeID.

Đến nay, TPHCM đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu LLTP của thành phố. TPHCM đề xuất tiếp tục cho thực hiện việc gửi yêu cầu tra cứu xác minh thông tin LLTP đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Cục V06, Bộ Công an) trên phần mềm quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp để đảm bảo tính chính xác. TPHCM phấn đấu thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích trên địa bàn TPHCM từ 10 ngày còn 3 ngày làm việc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về sổ SKĐT, TPHCM đã triển khai thí điểm sổ SKĐT tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện TP Thủ Đức, qua đó đã xử lý hơn 45.000 hồ sơ chuyển viện (đạt tỷ lệ 100%). TPHCM kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn các trường dữ liệu liên thông lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định bảo hiểm y tế đối với đối tượng bệnh nhân không khám, chữa bệnh BHYT.

THÀNH TRỌNG

Tin cùng chuyên mục