Cụ thể, đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 700.000 trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ ETC, tỷ lệ trả phí tự động chỉ đạt khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ. Nguyên nhân là việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện, chưa có quy định bắt buộc phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn ETC, một số tuyến cao tốc chưa xác định được nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị ETC. Để thúc đẩy tiến độ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC đối với các phương tiện trong thẩm quyền quản lý; chỉ đạo ban hành các quy định nghiêm cấm các phương tiện chưa dán thẻ đi vào các làn ETC, xem xét để lại mỗi bên 1 làn thu phí hỗn hợp hoặc một dừng để các phương tiện chưa dán thẻ có thể đi qua; Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải đảm bảo việc thu phí minh bạch, liên thông, thuận lợi đối với người dân. Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu Cục CSGT hướng dẫn các chủ phương tiện dán thẻ đầu cuối cho phương tiện tại lần kiểm định gần nhất, tại các đại lý của nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Bộ GTVT khẳng định sẽ dừng thu phí nếu nhà đầu tư không ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT, hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ trước ngày 31-8- 2019 và không triển khai dịch vụ ETC tại trạm thu phí trước ngày 31-12-2019.
Cũng theo Bộ GTVT, giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ với 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 4/18 trạm bổ sung đã lắp đặt và vận hành thương mại. Hiện còn 14 trạm đang triển khai trong năm 2019. Trong giai đoạn 2, dự án có 33 trạm, hiện đã hoàn thành công tác đấu thầu và lựa chọn được nhà đầu tư, dự kiến sẽ lắp đặt xong và vận hành trong năm 2019.