Mỗi chủ thể đều phải “tròn vai”

Dự thảo báo cáo về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-3 đã đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. 
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo, đến ngày 11-3, đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, nhưng mới nhận được 55/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố và duy nhất 1 báo cáo kết quả giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng. 

“Tiến độ báo cáo như thế là chậm, chưa đảm bảo yêu cầu. Một số tỉnh báo cáo chưa đúng, chưa đủ nội dung. Số ngày tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn nêu chung chung, chưa nêu cụ thể; nhiều báo cáo đánh giá chung chung, không cụ thể, không rõ địa chỉ…”, Trưởng Ban Dân nguyện nhận xét. 

Một trong những lý do được nêu là việc ban hành văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa kịp thời. Cụ thể, việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao chưa đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của luật.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể. Điển hình là quy định người đứng đầu cơ quan bộ ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng… Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ quan điểm về việc tất cả các chủ thể trong lĩnh vực này phải làm “tròn vai”, nghĩa là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất. 

Ngắn gọn là vậy, nhưng quả thực đây là một thách thức lớn. Lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo được điều chỉnh bởi 3 đạo luật cơ bản: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, chưa kể hàng loạt đạo luật khác có liên quan vì những vướng mắc “rải” đều tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nếu ngay từ ban đầu, công tác tiếp công dân được quan tâm và thực hiện nghiêm túc theo quy định thì vướng mắc có thể được tháo gỡ từ rất sớm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kể lại, khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông nhận được lá đơn viết tay với dòng chữ rất nắn nót: “Gửi lần thứ 201”. Khi tiếp người gửi đơn - một công dân cao tuổi, với thái độ trân trọng, chân thành, thì vụ việc tuy không thể giải quyết được nữa (vì đã quá thời hiệu) nhưng công dân đồng tình không tiếp tục khiếu nại. 

Nói đi cũng phải nói lại. Thông tin từ đoàn giám sát cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp là do số lượng đơn thư lớn, gửi đến nhiều nơi cùng một lúc. Nhiều trường hợp không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan, chỉ cung cấp các văn bản có lợi về phía mình, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện về vụ việc. Cũng không hiếm trường hợp cố tình khiếu nại sai, tố cáo dối, cố tình “không hiểu” pháp luật để khiếu nại, tố cáo không có điểm dừng hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để có những hành vi quá khích, gây rối…  

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, một trong những đổi mới hoạt động của Quốc hội là thiết lập đồng bộ cơ chế giám sát, gắn kết và phối hợp nhịp nhàng các hình thức giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Tất nhiên, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bản thân người khiếu nại, tố cáo cũng phải là chủ thể trung thực và phải chịu những chế tài thích đáng cho các hành vi sai trái nếu có. Bởi lẽ, chỉ khi đó, mục tiêu “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới được hiện thực hóa một cách tốt nhất, sớm nhất có thể.

Tin cùng chuyên mục