Theo Bộ GD-ĐT, trong chương trình hợp tác về GD-ĐT năm 2018 được thông qua tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 13 (FMM13) và Hội nghị hội đồng thống đốc Quỹ Á – Âu (ASEF) lần thứ 37 được tổ chức vào năm 2017 tại Việt Nam, các bên đã thống nhất sẽ tổ chức 4 hội nghị về học tập suốt đời và phát triển bền vững tại bốn quốc gia với các chủ đề khác nhau. Trong đó, Việt Nam là một trong bốn quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị về học tập suốt đời, với chủ đề “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.
Hội nghị với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, các nhà khoa học đến từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế sẽ là cơ hội để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc học tập suốt đời; về ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính quy và phi chính quy; các biện pháp cung cấp các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học theo hình thức phi truyền thống (đào tạo lại dành cho người lớn, nâng cao kỹ năng, cho những người bỏ học, phụ nữ và bà mẹ,…); hoạch định chính sách học tập suốt đời hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời nhằm đạt được tri thức giáo dục đại học cho mọi người…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, 7 và lần thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã khẳng định “toàn dân xây dựng phong trào cả nước trở thành một XHHT, học tập suốt đời”.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2005 – 2010” và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cả nước trở thành một XHHT.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 – 2020” với quan điểm: trong XHHT, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để: làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.
Vẫn theo Bộ trưởng, để thực hiện thành công Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 – 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 6 đề án thành phần do các bộ và các tổ chức đề nghị. Các đề án này đều nhằm mục tiêu giúp các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, lao động nông thôn được học tập suốt đời.
Tại Việt Nam, qua 13 năm thực hiện, Việt Nam có mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi. Hiện cả nước có 695 trung tâm giáo dục thường xuyên, bao gồm: 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện; 11.019 trung tâm học cập cộng đồng (đạt 98,7%); 2.854 trung tâm ngoại ngữ - tin học. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã có hơn 120 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học cập cộng đồng; gần 6 triệu lượt người học ngoại ngữ và hơn 1,2 triệu lượt người học bồi dưỡng tin học ứng dụng; hơn 2,4 triệu lượt người tham gia học nghề ngắn hạn… Cả nước đã có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62.000 “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân số..
Tại hội nghị, một lần nữa, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định, trong việc học tập cần đề cao vai trò của ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Nếu 2 yếu tố này tốt thì sẽ chắc chắn nâng cao chất lượng giáo dục.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia chia sẻ tại hội nghị cho hay, cần có sự linh hoạt hóa trong việc ghi nhận kết quả học tập. Việc công nhận giáo dục/học tập không chính quy và học tập trước như là các tín chỉ trong các chương trình cấp bằng, cho phép người học tích lũy học tập, kinh nghiệm và trình độ thông qua việc tham gia linh hoạt ở các giai đoạn khác nhau. Sự linh hoạt hóa chương trình và nội dung học sẽ đáp ứng nhu cầu của người học phi truyền thống trong các bối cảnh cuộc sống khác nhau (đào tạo lại dành cho người lớn, nâng cao kỹ năng, cho những người bỏ học, phụ nữ và bà mẹ…) và thiết kế các chương trình học tập đáp ứng theo yêu cầu của từng đối tượng…