Trần Lê Khánh là cái tên lạ, gây tò mò với nhiều người đọc. Anh quê gốc ở Hòa Bình nhưng học tập, sinh sống ở TPHCM. Trước khi được biết đến là tác giả của nhiều tập thơ, anh là chuyên gia phân tích tài chính có tiếng trong giới. “Chúng tôi giới thiệu anh bởi những khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật thi ca. Trần Lê Khánh có cách nhìn khác biệt chúng tôi, nhưng chúng tôi tôn trọng cách nhìn đó, cách nhìn của tương lai thì thuộc về tương lai”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn cũng cho rằng, thơ của Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương Đông… Mỗi bài thơ của Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Trong mỗi “hạt cây thơ’’ ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây.
Nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl, người dịch thơ của Trần Lê Khánh sang tiếng Anh, nhận xét: “Dù rất khó xác định thơ Khánh thuộc thể loại nào, ta lại rất dễ dàng thấy được các vẻ đẹp tầng tầng lớp lớp trong đó, và đặc biệt là cách mà kiểu thơ này dạy cho ta thưởng thức hết được các vẻ đẹp đó. Cách diễn đạt trong vắt và tường tận, hiểu rõ từng thể loại thơ, đặc biệt là lục bát; thơ của Khánh càng trở nên sống động hơn nếu bạn đọc đi rồi đọc lại”.
Nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn cho biết anh và nhiều người trong giới ở TPHCM coi Trần Lê Khánh là gương mặt thơ xuất sắc trong thế hệ 7X phía Nam. Anh đã in nhiều tập thơ: Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát Múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly (2019). Sắp tới là Xứ và tác giả dự kiến dịch sang tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ năm 2020.