Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện trường hoạt động khai thác cát trên sông Trường Thi, đoạn chảy qua 2 phường Bình Định, Nhơn Hòa có nhiều xe máy đào, xe tải rầm rộ “móc ruột” dòng sông để lấy cát. Vào mỗi buổi sáng, hàng loạt xe tải liên tục di chuyển đến mỏ dưới lòng sông để chở cát. Trong khoảng 1 tiếng, trung bình gần 20 lượt xe tải chở cát chạy qua cầu Trường Thi vào phường Bình Định. Các xe tải thùng chất đầy cát thành ngọn lớn, lưu thông qua nhiều trục đường chính thị xã An Nhơn, khiến nước, cát vương vãi ra đường gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông…
Theo phản ánh của người dân, mỏ cát này đã hiện diện khoảng 7 năm. Hiện tại vị trí khai thác nằm ở khúc sông bên bồi, bên sạt lở thuộc 2 phường Bình Định và Nhơn Hòa. “Sông Trường Thi mấy năm nay lũ lớn, dòng chảy kinh khủng lắm, khiến đôi bên bờ sông bị sạt lở toác ra ngày càng rộng thêm. Vừa rồi, nhiều vị trí bị sạt lở nặng nên chính quyền đã cho đầu tư các tuyến kè để bảo vệ bờ sông, đất đai, nhà cửa của dân làng. Đây là điểm thoát lũ lớn, nên hoạt động khai thác cát diễn ra trên sông này vào mùa lũ sẽ rất có hại cho dân…”, ông Ng.V.T., người dân bên sông Trường Thi, lo lắng nói.
Ngoài ra, người dân phản ánh, hiện đô thị An Nhơn đang phát triển, nhu cầu vật liệu xây dựng luôn khan hiếm, đắt đỏ, nhất là cát xây dựng. Vì thế, việc cấp phép cho mỏ cát giữa mùa mưa lũ không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường, dòng chảy mà còn làm mất tính minh bạch trong việc quản lý khai thác khoáng sản nói chung trên địa bàn...
Trao đổi về những bức xúc, lo lắng của người dân, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa Nguyễn Minh Muộn cho biết, mỏ cát trên vừa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Hiếu (Công ty Minh Hiếu) khai thác giữa mùa mưa lũ, từ ngày 15-9 đến 15-12 (giấy phép khai thác cấp ngày 29-10-2020). Theo giấy phép, mỏ cát có có diện tích 1,4ha, trữ lượng khai thác 28.000m3, tuổi thọ mỏ là 3 năm…
“Người dân thấy bất thường, trong khi tất cả các mỏ cát trong tỉnh đều phải dừng khai thác để đón lũ, nhưng mỏ cát này lại hoạt động ồ ạt. Việc này cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương, nhất là giữa lúc dịch Covid-19 và mùa mưa lũ đang đến. Hơn nữa, quá trình khai thác cát do áp lực tiến độ công trình, nhu cầu vật liệu khan hiếm nên doanh nghiệp làm ồ ạt, lưu lượng phương tiện chạy dày nên phát sinh ô nhiễm, mất an toàn giao thông vì các tuyến đường khu vực mỏ cát này rất hẹp, khuất tầm nhìn…”, ông Muộn cho biết.
Ông Trương Bá Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Bình Định), cho biết, mỏ cát của Công ty Minh Hiếu có tính đặc thù do vị trí khai thác cát nằm trong lòng đập Thạnh Hòa nên không khai thác cát được trong mùa khô mà phải đợi mùa mưa lũ khi đập mở xả lũ. Xét theo giấy phép và quy định của Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nếu công trình khai thác cát sỏi ảnh hưởng đến lòng sông, lưu vực, nguy cơ xảy ra sạt lở, xâm thực và các bất thường thiên tai thì Sở TN-MT cùng với Sở NN-PTNT sẽ yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc khai thác.