Sáng ngày 11-11, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Hiệp hội Mộc bản Quốc tế tổ chức buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo quản tài liệu mộc bản tại các nước Châu Á”.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), tại Việt Nam hiện có 3 tư liệu mộc bản đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình kí ức thế giới của UNESCO gồm: Mộc bản Triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang và Mộc bản Trường Phúc Giang thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Tĩnh.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: "Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quan tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản. Tuy nhiên, do tác động của thời gian và điều kiện môi trường, mộc bản ở Việt Nam nói riêng, và các nước châu Á nói chung, đều gặp phải những vấn đề mà nếu không có những giải pháp kịp thời sẽ dẫn tới những hư hỏng, xuống cấp, khó có thể khắc phục. Buổi tọa đàm chính là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong công tác bảo quản, phát huy tài liệu mộc bản, góp phần bảo vệ và phát huy di sản quý giá của các quốc gia".
Buổi tọa đàm đã nhận được 21 tham luận từ các đại biểu Việt Nam và quốc tế. Trong đó có 13 tham luận của Việt Nam, 4 của Hàn Quốc, 3 của Trung Quốc và 1 từ Nhật Bản xoay quanh các chủ đề như: Những giải pháp bảo quản mộc bản trên cơ sở nghiên cứu về gỗ; Thực trạng bảo quản các khối tài liệu mộc bản và những giải pháp, nổi bật trong số đó là tham luận “Thực trạng mộc bản Nhật bản, xử lý tài liệu trước khi số hóa và tu bổ - phục chế” của PGS. TS. Takaaki Kaneko, Giảng viên Trường Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản; “Công tác bảo quản mộc bản tại Việt Nam - Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn Mộc bản Triều Nguyễn” của TS. Phạm Thị Huệ.
Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có các tham luận trình bày kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản tại các quốc gia, tiêu biểu như: Bảo quản các di sản tư liệu mộc bản ở Việt Nam - nhìn từ góc độ quản trị rủi ro; Chiến lược và sứ mệnh của hợp tác quốc tế trong việc bảo quản di sản tư liệu; Bảo vệ, bảo quản và phát huy mộc bản cổ tại Bảo tàng ván khắc in Dương Châu (Trung Quốc), Bảo quản mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm (Việt Nam) bằng phương pháp dân gian truyền thống; Số hóa, tu bổ và phục chế mộc bản tại Nhật Bản; quá trình hình thành và sưu tập mộc bản Kygochaekpan ở Hàn Quốc…
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, Hiệp hội Mộc bản Quốc tế sẽ tổ chức phiên họp toàn thể tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV để tiếp tục thảo luận, nghiên cứu mọi biện pháp nhằm bảo quản lâu dài khối tài liệu mộc bản cho hôm nay và mai sau, đoàn sẽ thăm quan, khảo sát khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và trao đổi kinh nghiệm về cách thức, biện pháp bảo quản và quảng bá, phát huy giá trị các Di sản tư liệu nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia ở trong nước và quốc tế.