Chương trình diễn ra trọn 3 ngày, từ ngày 16 đến 18-11, được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. So với các kỳ họp trước, phiên chất vấn lần này kéo dài thêm 1/2 ngày, vì vậy hứa hẹn sẽ có nhiều vấn đề nóng được mổ xẻ đến nơi đến chốn.
Theo dự kiến, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Bộ trưởng Bộ TT-TT trả lời chất vấn về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đặc biệt, trọn buổi chiều 18-11, Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn. Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng cũng sẽ khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội này.
Có thể nói, bức xúc nổi lên hiện nay của cử tri chính là công tác phòng chống tham nhũng. Cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, không chỉ xảy ra ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương (những chương trình, dự án lớn của quốc gia, của địa phương) mà còn xuất hiện nhiều trong các cơ quan giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến người dân, cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, đã gây ra những tác hại lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, là lực cản lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cử tri và nhân dân đề nghị tăng cường giám sát để có giải pháp căn cơ, thiết thực hơn, nhất là xử lý thật nghiêm minh đối với các đối tượng tham nhũng, nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Đáng chú ý, cử tri cho rằng hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian qua chưa cao, các vụ việc bị phát hiện, xử lý chủ yếu là do sự đấu tranh quyết liệt của báo chí và người dân. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tiến độ xử lý một số vụ việc còn để kéo dài, việc công bố kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc còn chậm, có dấu hiệu trì hoãn (như vụ việc Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và 51 cá nhân có liên quan, vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh…). Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về hoạt động thanh tra phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, Quốc hội cần quy định chặt chẽ về việc kê khai tài sản. Theo đó, quy định rõ việc công khai kết quả kê khai. Trường hợp phát hiện tài sản không kê khai hoặc kê khai không đúng hoặc không giải trình được nguồn gốc tài sản kê khai thì tịch thu, sung công quỹ. Đồng thời, cử tri đề nghị Quốc hội thành lập cơ quan độc lập để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản.
Có thể thấy, thực tế đòi hỏi cần phải có giải pháp mạnh hơn để phòng, chống tham nhũng một cách triệt để. Quốc hội cần bổ sung quy định pháp luật về việc thu hồi tài sản của người tham nhũng và cần có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với những tội danh tham nhũng. Trong thời gian vừa qua, các vụ án tham nhũng đã bắt được đối tượng phạm tội và đã xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng việc khắc phục, thu hồi số tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế do tài sản đã bị tẩu tán bằng nhiều hình thức gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân.
Trước kỳ họp lần này, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Quốc hội thứ tư. Tổng hợp các kiến nghị gửi đến các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành, Chính phủ cùng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… cho thấy những bức xúc, kiến nghị của cử tri là vô cùng nhiều, trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực và động đến tất cả các lĩnh vực sát sườn của xã hội. Nhưng tựu trung lại là nỗi lo về kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, bất an nợ công tăng cao; nhiều vấn đề xã hội đã thực sự “quá tải” so với sự chịu đựng của người dân như bệnh viện, giao thông, giáo dục, phí - thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác quản lý và sử dụng đất đai; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân…
Nhưng có thể nói, giữa rất nhiều bức xúc đó của cử tri và nhân dân, làm sao để đấu tranh phòng chống tham nhũng hiệu quả chính là điều được quan tâm nhất. Nhân dân trông đợi và kỳ vọng Đảng, Nhà nước ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng với nhiều cán bộ “dính chàm” như vừa qua, làm thất thoát số lượng lớn tài sản và tài nguyên quốc gia, xói mòn lòng tin của xã hội. Hy vọng phiên chất vấn với sự góp mặt của Thủ tướng Chính phủ sẽ phần nào mổ xẻ đến nơi đến chốn búc xúc này của nhân dân.