PHÓNG VIÊN: Ông có thể nêu một cách khái quát về kinh tế Việt Nam năm 2022?
* TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Nếu nhìn vào các con số tổng quát thì tăng trưởng GDP tốt, lạm phát trong tầm kiểm soát. Một số chỉ số không được hài lòng lắm như giải ngân đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ tiêu về thu hút vốn FDI có công nghệ cao… Nhìn chung, chúng ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô, nhưng tình hình đang tiềm ẩn những khó khăn chưa từng có và khó đoán định.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng |
Vậy là năm 2023, thách thức vẫn hơn nhiều cơ hội. Những thách thức đó tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?
* Phải nhấn mạnh là bối cảnh quốc tế bất lợi, các quyết định kinh tế được đưa ra dựa trên nhận thức chủ quan về chính trị. Xu thế này lộ rõ năm 2022 và sẽ tiếp tục nhiều hơn nữa ở năm 2023. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, trên thế giới, quyền lợi dân tộc là yếu tố quyết định trong thương mại và các hoạt động kinh tế, vì thế, tôi cho rằng, trong năm 2023 và 7 năm tiếp theo - đến năm 2030 - thì phát triển thị trường nội địa là điều kiện tiên quyết để thành công. Thị trường nội địa còn nhỏ nên mới phải hỗ trợ để củng cố, phát triển. Muốn vậy, phải hình thành, củng cố tầng lớp trung lưu.
Tiếp theo, Chính phủ - người tiêu dùng lớn nhất trong xã hội - cần đẩy mạnh đầu tư công với chiến lược dài hơi. Những chỉ tiêu bội chi, nợ công, nợ Chính phủ phải được nhìn nhận với con mắt ưu tiên tăng trưởng. Có thể nói một cách hình tượng thế này: nếu như chúng ta đang phải tự giới hạn mình trong một vòng tròn bảo vệ tương đối hẹp (vì phải lượng sức để có thể bảo đảm an toàn trong đó), thì bây giờ phải đổi mới nhận thức về độc lập tự chủ của nền kinh tế; đưa chuyển đổi số vào nền kinh tế nhiều, nhanh, mạnh nhất; qua đó mở rộng vòng tròn đó ra đến mức lớn nhất có thể, tạo ra môi trường bình yên cho phát triển.
Ông vừa nhắc đến yêu cầu đổi mới nhận thức về một nền kinh tế độc lập tự chủ. Ông có thể nói cụ thể về điều này?
* Trước đây, nói đến nền kinh tế độc lập tự chủ là phải tự sản xuất được công cụ sản xuất thiết yếu nhất nên Việt Nam đã đầu tư, sản xuất từ A đến Z. Sau mở cửa, với quá trình hội nhập sâu rộng, quan niệm về nền kinh tế độc lập tự chủ đã khác. Độc lập tự chủ được hiểu là nền kinh tế hội nhập với kinh tế quốc tế mà trong đó các doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu với đóng góp ngày càng lớn hơn trong chuỗi giá trị, góp phần quyết định “luật chơi” của chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp phản ánh là họ rất khó khăn sau lần điều chỉnh biên độ tỷ giá gần nhất. Ông có thể phân tích sâu hơn?
* Bất cứ lần điều chỉnh tỷ giá nào đều có tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu nhưng không có hàng xuất khẩu để thu ngoại tệ. Chẳng hạn như những doanh nghiệp Việt Nam phục vụ thị trường nội địa trong ngành xăng dầu, hàng không. Nhưng, trong bối cảnh đồng yen Nhật Bản mất giá hơn 20% so với USD, các đồng tiền khác như euro mất 13-14%, trong khi đó VND mất 5-6% là chấp nhận được. Vấn đề là các nhà quản lý có chấp nhận cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực do biến động tỷ giá tính đúng tính đủ vào giá thành hay không.
Tôi cho rằng để giải bài toán này, cần chủ động cho ngân hàng thương mại ký hợp đồng cho doanh nghiệp vay, đẩy áp lực ngoại hối ở hiện tại rải dần trong tương lai. Tổ chức tín dụng nào hết ngoại tệ thì Ngân hàng Nhà nước cho vay và trả dần.
Lãi suất được cho là quá cao khiến nhiều doanh nghiệp “khát” vốn, thưa ông?
* Xu hướng chung là mở cửa thị trường vốn, nhưng nghệ thuật điều hành là ở chỗ mở và siết đúng chỗ, đúng mức. Thị trường bất động sản đang gây nhiễu loạn thị trường vốn, làm thui chột thị trường vốn vừa chớm nở của Việt Nam, mà nguyên nhân chính là do đa số nhà đầu tư cá nhân vẫn có tâm lý đầu tư theo đám đông. Nhưng, tôi nghĩ vẫn có thể cho phát hành trái phiếu bất động sản, với điều kiện đảm bảo tuân thủ Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, tránh tình trạng “bán lúa non”, chưa có tài sản đã phát hành trái phiếu. “Rất đau khổ” là hầu hết doanh nghiệp đầu đàn của Việt Nam muốn huy động thêm vốn đầu tư lại phải ra nước ngoài.
Còn về năng lượng, một yếu tố đang làm rất nhiều quốc gia mệt mỏi?
* Chúng ta đã có 35 năm xây dựng các tổng sơ đồ điện, đưa chỉ số tiêu hao năng lượng giảm xuống mức chấp nhận được bằng cách ứng dụng công nghệ, giải pháp mới và ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng. Vấn đề là phải nói rõ cho xã hội về phát thải bằng 0. Đó không có nghĩa là dừng lại, không phát thải, mà là cân bằng phát thải, tránh cực đoan trong xây dựng, sử dụng năng lượng. Các nguồn năng lượng tái tạo là đặc biệt quan trọng, nhưng chỉ thế thôi thì không đủ công suất nền, có thể gây rã lưới. Việc đảm bảo công suất nền là trách nhiệm của cả Nhà nước và doanh nghiệp, thể hiện qua một quy hoạch khoa học, cân đối giữa các loại hình năng lượng. Tuy nhiên, so sánh giữa khả năng đáp ứng và nhu cầu, tôi cho là không nên quá lo lắng về khả năng tự chủ năng lượng của Việt Nam trong khoảng 10 năm trước mắt.