Mới đây, ông vừa ra mắt tác phẩm Văn học Sài Gòn 1954-1975: Những chuyện bên lề do NXB Tổng hợp ấn hành, tổng hợp những câu chuyện mà ông khiêm tốn gọi là “bên lề” nhưng lại hữu ích đối với độc giả yêu thích văn chương.
Trong chương trình giao lưu được tổ chức gần đây, nhà văn Lê Văn Nghĩa khiêm tốn nói rằng ông không phải là nhà nghiên cứu văn học mà chỉ là một nhà báo ham đọc. Có nhiều cách để tiếp cận cũng như để hiểu một tác phẩm, một trong số đó chính là tìm hiểu từ khía cạnh cuộc đời của tác giả. Và với Văn học Sài Gòn 1954-1975: Những chuyện bên lề, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã mở thêm một cánh cửa, giúp độc giả tìm hiểu về các nhà văn của miền Nam giai đoạn 1954-1975 thông qua thao tác biên soạn, tổng hợp những câu chuyện gắn liền với cuộc đời của các tác giả đó. Ở đó, nhiều giai thoại mà rất có thể những độc giả ngày nay lần đầu được tiếp cận, như: Lang thang như Nguyễn Đức Sơn, Tình thơ Nguyễn Bính - Kiên Giang, Nghề kiếm sống của các nhà văn, Cuộc sống của các nhà văn nữ qua ngòi bút của nhà văn Vũ Hạnh…
Ngoài sự công phu, tỉ mẩn trong công tác biên soạn, một dấu ấn mà người đọc dễ dàng nhận ra trong cuốn sách mới của Lê Văn Nghĩa, chính là giọng văn hài hước - như một thứ “đặc sản” của ông từ các tác phẩm trước. Theo chia sẻ của nhà văn Lê Văn Nghĩa, đọc chuyện của các các nhà văn trước đây thường buồn nên ông cố gắng viết như thế nào để người đọc thấy vui, hấp dẫn với tâm niệm: “Đời chỉ vui khi đọc chuyện vui”.
“Việc viết văn, cho ra đời những tác phẩm không phải là một việc dễ dàng; nhà văn viết một cuốn sách có thể là một phận đời của họ mà đôi khi độc giả không để ý. Thông qua cuốn sách này, tôi mong muốn bạn đọc hình dung lại cuộc sống, những mối quan hệ, những khổ cực của nghề viết văn thế hệ nhà văn trước 1975”, nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ.