Anh đã sống cuộc sống của một người homeless xứ sở cờ hoa - ngủ đêm dưới gầm cầu vượt đường cao tốc, ban ngày lang thang khắp nơi để mưu cầu miếng ăn. Anh đã thấu hiểu sự bao dung, sẻ chia, thương yêu giữa những người cùng cảnh ngộ bất hạnh. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến cố thi sĩ Bùi Giáng lúc sinh thời cũng có thời gian lang thang trên những góc phố để từ đó cho ra đời những bài thơ rất đời và thấm đẫm tình người.
Sinh sống và chu du kiểu homeless - tưởng dễ mà không dễ, và thậm chí phải cần nhiều dũng khí, nhất là đối với người Việt vốn chọn cách “an cư lạc nghiệp” - phải ổn định ở một căn nhà và đi làm. Vì lẽ đó, thị trường thuê nhà tại Mỹ luôn luôn sôi động và ngày càng mở rộng với lượng người nhập cư ngày càng đông hơn qua từng năm. Người Việt tại Mỹ cũng nhờ kênh đầu tư này mà trở thành triệu phú trong một thời gian không quá dài khi định cư tại đây.
Trở lại với kiểu sống homeless tại Mỹ, không phải chỉ người bất hạnh mới phải sống theo kiểu thiên di, mà ngay cả những người có điều kiện cũng mong ước được sống cuộc sống thong dong nay đây mai đó trên những chiếc home car (xe nhà di động). Nhiều cặp vợ chồng và con cái chọn lối sống trên những chiếc xe kiểu này. Cuộc đời thật ý nghĩa với họ trên những chuyến đi.
Câu chuyện về home car cũng khiến tôi nhớ lại câu chuyện về anh em người Việt tại California khi thành lập công ty chuyên cung cấp phòng ngủ trưa di động, được kéo đến để phục vụ khách hàng, là sinh viên đại học, hay là nhân viên của các công ty lớn. Người Việt Nam và Nhật Bản thường có văn hóa ngủ trưa từ 13 giờ - 14 giờ mỗi ngày. Mọi người ngủ trưa để lấy sức cho hoạt động trong nửa ngày còn lại, tỉnh táo và tập trung”. Người Mỹ cũng đã bắt đầu chú ý đến điều này. Các tập đoàn lớn như Google, Nike, British Airways cùng nhiều công ty khác đều khuyến khích văn hóa ngủ trưa và đã đạt được thành công lớn nhờ hiệu suất công việc gia tăng và sự hài lòng của nhân viên. Nhiều kênh truyền hình lớn của Mỹ như CBS, NBC, Fox đã đưa tin về sự ra đời của dịch vụ ngủ trưa di động đầu tiên trên thế giới này.
Học phí cao và chi phí duy trì căn nhà tại Mỹ (khoảng 1.000 usd/tháng cho các hạng mục: thuế nhà, bảo hiểm nhà, điện, nước, Internet…) là không đơn giản với sinh viên như tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh sẽ cho thuê nhà nguyên căn (được khoảng 10.000 USD/năm sau khi đã đóng thuế, bảo hiểm và khấu hao tài sản) để dành cho chi phí học tập khá đắt đỏ (gần 20.000 USD/năm). Rồi tôi sẽ sắm một chiếc home car (đời cũ dưới 10.000 usd) để sinh hoạt hàng ngày, và sau đó tranh thủ các quãng nghỉ giữa các kỳ học để rong ruổi khám phá nước Mỹ. Thú thực thì để làm được điều đó, tôi vẫn đang đấu tranh tư tưởng để bước chân ra ngoài và ngụ trên chiếc home car. Nhưng ngay lúc này hoặc chẳng bao giờ - nhất là lúc này tôi chỉ ở một mình và tạm thời không vướng bận gia đình, thì dự án đó chẳng phải đáng trải nghiệm hay sao. Sống trên home car và mua thêm một chiếc xuồng nhỏ (trên 300 usd) thong thả câu cá, chụp hình tại các hồ nước rộng quanh nơi cư ngụ, sẽ là một trải nghiệm thú vị trong đời. Câu chuyện về cô bạn thân tại Pháp của tôi, nghe đâu là người phụ nữ Việt đầu tiên sở hữu và sống nhiều năm trên home car và nay là chủ của 1 - 2 khách sạn tại đây, đã tiếp sức cho ước muốn của tôi lúc này rất nhiều.
Đến Mỹ không chỉ để tồn tại, mà để sống ra sống, tự tin trước những thách thức để khẳng định bản thân, tự hào là người Việt kiên gan nhưng không hề thiếu lãng mạn. Tôi sẽ làm điều đó.