Thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, nhất là một số nước đang có tỷ trọng thấp. Để sản phẩm Việt Nam đạt theo quy định của nước nhập khẩu, doanh nghiệp Việt cần liên kết với doanh nghiệp sở tại để ổn định, tuân thủ đúng quy định thị trường.
Theo Bộ Công thương, rau quả Việt Nam được xuất khẩu đến 55 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay, tổng dung lượng của thị trường rau quả thế giới năm khoảng 240 tỷ USD. Trong những năm qua, rau quả là một trong những ngành hàng xuất khẩu ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng 26%/năm.
Năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2017. Mặt hàng rau quả đã vượt qua các ngành hàng gạo, tiêu, chè… trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp nông thôn.
Điều này được chứng minh qua con số tăng từ các thị trường. Thị trường Đông Bắc Á đạt 219 triệu USD vào năm 2018, chiếm tỷ trọng 5,5%; trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 185 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,5%. Thị trường châu Âu - châu Mỹ đạt 256 triệu USD, tỷ trọng 6,7% năm 2018; trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 271 triệu USD, chiếm 9,6%. Đặc biệt, thị trường châu Á chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 2,8 tỷ USD năm 2018, chiếm 74%; trong 9 tháng đầu năm 2019 hơn 2 tỷ USD, chiếm 71% dẫn đầu về nhập khẩu rau quả. Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc đạt 113 triệu USD, chiếm 2,99%; Nhật Bản đạt 105 triệu USD, chiếm 2,76%; khu vực Đông Nam Á 134,2 triệu USD, chiếm 3,52%; Đài Loan 41,5 triệu USD, chiếm 1,1%...
Doanh nghiệp tận dụng các nước láng giềng với xuất khẩu dư địa còn rất lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… do thuận lợi từ vị trí, thói quen tương đồng và khuôn khổ pháp lý các hiệp định thương mại đã hoàn thiện. Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), như thị trường Trung Quốc là thị trường gần gũi có sức mua rất lớn với 1,4 tỷ dân, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả trung bình 60%, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chiếm 73% sản lượng nông nghiệp xuất khẩu. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 4 thế giới, với kim ngạch nhập khẩu luôn trên 50 tỷ USD; giá trị nhập khẩu rau các loại đạt 34 triệu USD, tỷ trọng Việt Nam chiếm 1,3%; trái cây nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 36 triệu USD, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 1,1%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay Việt Nam có thêm nhiều cơ hội khi tham gia các hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư, với cam kết hạn ngạch thuế quan và cắt giảm thuế cho mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam, như gạo thơm hạn ngạch 80.000 tấn, không hạn ngạch gạo tấm; tinh bột sắn 25.000 tấn; rau quả gồm có bắp ngọt 5.000 tấn, bắp bao tử không hạn chế, tỏi 400 tấn, nấm 350 tấn; các loại rau quả khác không hạn ngạch.
Có 2 vấn đề quan trọng liên quan đến đến rau hoa quả xuất khẩu là ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đứng dưới góc độ quản lý sản xuất, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đề nghị doanh nghiệp cần phải hợp tác với nông dân để đảm bảo nguồn cung và đào tạo nâng cao năng lực nhân lực.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất ra sản phẩm. Để có thông tin thị trường chính xác, các doanh nghiệp cần xây dựng kênh trao đổi thông tin quy định thị trường giữa cơ quan quản lý và nhà nhập khẩu.
Hiện nay, doanh nghiệp chưa tìm hiểu hết thị trường, không có định hướng lâu dài, chất lượng sản phẩm còn yếu nên không có năng lực cạnh tranh. Nhà nước cần tăng cường phổ biến thông tin thị trường; tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, muốn xuất khẩu thành công, bản thân rau quả phải “thắng” tại thị trường trong nước. Vì hiện nay, người tiêu dùng còn e ngại sử dụng rau quả trong nước, do vẫn chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi sản xuất nông sản có quá nhiều tiêu chí, trong khi đó nhiều nước phát triển chỉ có một tiêu chí an toàn để dễ dàng quản lý. Đã vậy, công nghệ sau thu hoạch còn yếu kém thì sản phẩm không thể cạnh tranh được với các nước khác.