Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng và Công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh có diện tích 40,4ha, được thành phố cho phép đưa vào hoạt động từ năm 1993. Đến năm 2002, UBND TPHCM đã quyết định đóng cửa bãi chôn lấp rác Đông Thạnh và giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cải tạo, khắc phục ô nhiễm. Theo đó, công ty đã thực hiện tạo taluy, lấp đất phủ đỉnh toàn bộ bãi chôn lấp rác, lắp đặt hệ thống thu nước rỉ rác về hồ chứa, sau đó chuyển vào hệ thống xử lý nước thải để xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường do Bộ TN-MT ban hành trước khi xả thải ra ngoài. Toàn bộ quá trình này đều được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra giám sát chặt chẽ, thường xuyên và định kỳ.
Riêng từ năm 2014 đến nay, với mục tiêu biến bãi chôn lấp rác Đông Thạnh thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp sinh thái và sinh hoạt cộng đồng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã liên kết với Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Nông Phát triển khai đầu tư 6 nhà màng (2.000m2/nhà) để trồng dưa lưới giống Nhật Bản theo công nghệ Israel. Toàn bộ quy trình từ khi lựa chọn hạt giống, gieo hạt, ươm mầm đến ra hoa, kết trái đều thực hiện khép kín trong nhà màng và được điều khiển tự động kết hợp với sự giám sát thường xuyên của kỹ sư nông nghiệp. Sản phẩm đảm bảo 100% không sử dụng phân bón hóa học, sử dụng nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ qua hệ thống lọc xử lý.
Năm 2015 đã thu hoạch vụ đầu tiên với 4 nhà màng, thu được 28 tấn (mỗi nhà màng trồng được 4800 cây, 1 trái nặng từ 1,4 - 1,5kg, trồng khoảng 2 tháng là thu hoạch). Chất lượng dưa lưới ngon, ngọt và ổn định chứng tỏ hướng đi đúng và nguồn nước ngầm tại bãi rác Đông Thạnh không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, công ty còn triển khai trồng hơn 1.000 gốc ổi, 2.000 gốc mai, 500 cây mãng cầu ta, cây bưởi da xanh ghép bưởi Năm Roi. Hiện 1.000 cây ổi đã thu hoạch với sản lượng 150kg/ngày.
Chị Quách Ngọc Phương, kỹ sư nông nghiệp phụ trách chăm sóc nhà màng tại Công trường xử lý rác Đông Thạnh cho biết, nông sản trồng tại công trường đều tuân thủ quy trình kiểm soát nghiêm ngặt trong sản xuất, nên không chỉ trái, rau mà cả hoa của công trường đều là sản phẩm sạch, không hóa chất… Từ năm 2016 đến nay, toàn bộ nông sản của công trường đều được đưa vào hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM. Hiện công ty đang có kế hoạch mở rộng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân trên địa bàn thành phố. Quan trọng hơn, góp phần cải tạo xanh bãi chôn lấp rác Đông Thạnh nói riêng và nhân rộng mô hình này trên nhiều tỉnh thành cả nước nói chung.
Đại diện nhiều hệ thống siêu thị Lotte, Aeonmall, Saigon Co.op… cho biết, việc kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm đầu vào đang được nhiều kênh bán lẻ thực hiện. Theo đó, các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho thực phẩm tươi sống, nông sản, trái cây, thủy sản… không chỉ có tính kế thừa và tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nước mà còn tiệm cận với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước trên thế giới. Do vậy, để có thể gia nhập bền vững thị trường nội địa nói riêng và vươn rộng ra thị trường toàn cầu, doanh nghiệp, nông dân cần phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm ngay từ khâu gieo giống, nuôi trồng và thu hoạch.
Còn theo báo cáo Nielsen, trong quý 1-2020, gần một nửa người Việt xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số 1, dẫn đầu các nước trên thế giới. Do vậy, người tiêu dùng đang tìm đến sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Có đến 76% người Việt ưu tiên tiêu dùng hàng trong nước do biết rõ nguồn gốc xuất xứ và doanh nghiệp sản xuất. Và đây chính là cơ hội để cho những mô hình trồng trọt công nghệ cao, an toàn chất lượng sản phẩm có thể nhân rộng và phát triển.