Tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM và đông đảo nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận văn học, sinh viên các trường đại học tại TPHCM.
Các diễn giả giao lưu với tác giả |
Tại buổi giao lưu, các đại biểu và độc giả cùng gặp gỡ, trao đổi với tác giả - TS Phạm Thị Như Thúy và các diễn giả khách mời gồm: PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM; TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM.
Trong phần đề dẫn giới thiệu tác phẩm đến công chúng, bạn đọc, TS Phạm Thị Như Thúy chia sẻ, tác phẩm Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là quyển sách chuyên khảo mang tính bao quát lớn, tự cảm nhận trong góc độ nhìn của cá nhân tác giả, đó là nội dung và nghệ thuật, hướng tới tất cả đối tượng nhưng lại cùng trên một văn bản chính luận.
Ví dụ, Bác viết văn chính luận cho đồng bào, cho thanh niên, học sinh hay lực lượng trí thức đều có sự linh hoạt. Đồng thời, chuyên khảo nêu rõ được giá trị đóng góp về văn chính luận của Bác và là quyển sách có bổ ích cho các em học sinh phổ thông, sinh viên, các thầy cô giáo và các nhà nghiên cứu văn chính luận.
Chia sẻ nội dung này, PGS-TS Trần Luân Kim đánh giá cao tác giả đã chọn một lĩnh vực mới và khó, đòi hỏi tìm tòi, nghiên cứu sâu nhiều tài liệu, bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ. Văn chính luận của Bác Hồ bao hàm nhiều khía cạnh, được nghiên cứu, tìm hiểu sâu rộng trong cả một quá trình, tạo ra cách thể hiện rõ ý, đi thẳng vào lòng người.
Các diễn giả tặng hoa chúc mừng tác giả |
“Nghiên cứu nội dung, cách viết của Bác là một điều rất thiết thực cho mặt lý luận cũng như thực tiễn. Qua quyển sách, tác giả đã phân tích các khía cạnh khi thể hiện trên từng nội dung, viết như thế nào, viết cho đối tượng nào, mở ra hướng tuyên truyền, quảng bá tư tưởng, phong cách đạo đức của Bác đến đông đảo công chúng, bạn đọc. Trong đó, đặc biệt hướng tới trong thực tế cảm nhận, truyền thụ rộng rãi văn học chính luận của Bác đến sinh viên, học sinh các trường đại học, phổ thông hiện nay”, PGS-TS Trần Luân Kim nói.
Tác giả Phạm Thị Như Thúy còn được bạn đọc biết đến là một nhà thơ, nhà khoa học với bút danh Doãn Thụy Như. Chị sinh năm 1971 tại Ba Vì, Hà Nội. Chị có 20 năm giảng dạy môn ngữ văn ở các trường phổ thông tại TPHCM. Hiện, chị là Ủy viên chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật TPHCM, chuyên viên Phòng Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM).