Từ khi thành lập đến nay, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và TPHCM luôn khẳng định là 2 đơn vị đầu tàu trong hệ thống giáo dục ĐH cả nước.
Điều này được minh chứng qua chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, đóng góp cho cộng đồng (các nhiệm vụ quốc gia, cho địa phương…); vị thế và uy tín của 2 ĐHQG càng khẳng định khi xuất hiện trên các bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất của quốc tế. Chính vì vậy, nghị định mới về ĐHQG cần phải mở ra nhiều đột phá hơn, giúp 2 đơn vị hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chiến lược quốc gia của mình.
Sau Đại hội VI, Chính phủ lập ra Tổ nghiên cứu ĐH và xác định một trong những nhược điểm của ĐH nước ta là đào tạo đơn lĩnh vực, khép kín, không có sự liên thông giữa ĐH này với ĐH kia. Cần phải có những trung tâm ĐH lớn, đào tạo chất lượng cao và đưa chủ trương đó vào Nghị quyết Đại hội VII.
Trên cơ sở đó, Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng giáo dục ĐH ở Việt Nam, tham khảo các mô hình ĐH tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Australia… và xây dựng đề án tổ chức lại ĐH. Theo đó, một mô hình ĐH là trung tâm đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với cơ chế tự chủ theo mô hình các ĐH Mỹ được đề xuất, gồm 4 lĩnh vực phổ quát: khoa học cơ bản, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kinh tế và công nghệ. Và sự ra đời của các ĐHQG với tính chất đa lĩnh vực như một tổ chức hữu cơ chính là để thực hiện mục tiêu liên thông các lĩnh vực trên. Đề án tổ chức lại giáo dục ĐH được thông qua, Chính phủ quyết định thành lập 2 ĐHQG và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Từ khi mô hình ĐHQG được ra đời, đến nay đã có 4 nghị định liên quan trực tiếp ĐHQG, các nghị định sau đều thể hiện sự tiến bộ so với văn bản trước. Nghị định mới sắp tới ban hành được kỳ vọng tạo cơ hội cho giáo dục ĐH phát triển, nhất là ĐHQG. Dự thảo về Nghị định quy định về ĐHQG để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, chuyên gia, được Bộ GD-ĐT đang tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành. Kỳ vọng về nghị định mới về ĐHQG được đặc biệt quan tâm vì liên quan mật thiết đến các vấn đề: tự chủ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia… Chính vì vậy mà rất nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn cho bản dự thảo và Bộ GD-ĐT đã liên tục cập nhật và bổ sung các kiến nghị để hoàn thiện.
Theo các chuyên gia, nghị định mới phải vừa mở đường cho ĐHQG phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm; tránh chồng chéo, tránh rủi ro pháp lý trong tự chủ. Bởi lẽ hiện nay, liên quan đến giáo dục ĐH, không chỉ có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH mà hàng loạt luật khác cũng cần phải “mở” để tinh thần tự chủ phát huy hết hiệu quả. Chính vì vậy, Nghị định mới về ĐHQG cần thể hiện rõ hơn, thuyết phục hơn về “quyền tự chủ cao” là như thế nào, “đầu tư phát triển” cụ thể ra sao.
Ở đây, đầu tư không chỉ là về kinh phí, cơ sở vật chất, mà còn tạo cơ chế đặc biệt, xây dựng mô hình ĐH hiện đại, hội nhập được với thế giới; và quan trọng là điều kiện bảo đảm để thực hiện sứ mệnh, chiến lược quốc gia. Nghị định mới về quy định ĐHQG cần mở ra đột phá và đòi hỏi nhiều hơn với 2 ĐHQG để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của mình, trong đó phải mở rộng hơn cơ chế tự chủ.
THANH HÙNG