Thị trường bất động sản phát triển cần huy động nguồn lực từ các kênh như: đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách, vốn tự có, còn vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tín dụng là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống… Việc mở rộng tín dụng bất động sản sẽ gây khó khăn cho các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Do vậy, việc điều hành cần cân nhắc, thận trọng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, quá trình kiểm soát rủi ro của Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp mà gián tiếp, quy định theo hướng kiểm soát rủi ro. Ví dụ, với kinh doanh bất động sản, hệ số rủi ro là 200%; vay mua nhà trên 4 tỷ đồng, hệ số rủi ro là 150%; mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng hệ số rủi ro dưới 50%...Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành giải ngân theo quy định. Các tổ chức tín dụng được chỉ định trong nghị định chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí, nên chưa thể thực hiện cho vay.
Trước đó, băn khoăn về tính khả thi của đề án phát triển 1 triệu nhà ở xã hội, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt vấn đề, vừa qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án xây dựng nhà ở xã hội với số tiền bỏ ra rất lớn. Thực tế, hiện nay, nhà ở xã hội không còn hấp dẫn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xây nhà ở xã hội không bán được do vướng cơ chế, sau đó lại chuyển trở thành nhà ở thương mại để bán.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân, có nhiều giải pháp, từ rà soát xây dựng pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện, huy động nguồn lực… Bộ sẽ phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi của đề án.