Kinh tế suy giảm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế của năm 2023 thấp hơn mức kỳ vọng. Ước tính tăng trưởng năm 2023 đạt 5,19%, thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022. Trong đó, nguyên nhân khách quan là chịu ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu giảm sút, nhu cầu tiêu dùng nội địa, đầu tư suy giảm. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó khi nhu cầu của thị trường xuất khẩu giảm sút dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất, việc làm và thu nhập giảm. Thu nhập và tiêu dùng nội địa cũng giảm, kéo theo các lĩnh vực thương mại, dịch vụ giải trí và tiêu dùng giảm.
Xuất khẩu bấp bênh, tiêu dùng nội địa suy giảm dẫn đến xuất hiện tâm lý e ngại đầu tư cho tương lai. Khủng hoảng vi phạm của các doanh nghiệp lớn hoạt động liên quan đến lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đầu tư. Vì lẽ đó, cho dù lãi suất thấp, ngân hàng chào mời cho vay với lãi suất hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp vẫn còn tâm e ngại.
Thị trường bất động sản liên quan đến nhiều ngành kinh tế như xây dựng, vật liệu, nội thất, dịch vụ phụ trợ… Từ tháng 10-2022, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt rất hà khắt với thị trường bất động sản. Hậu quả, nhiều dự án đang triển khai phải tạm ngưng do không tiếp cận được tín dụng; các nhà đầu tư có vốn cũng không dám tiếp tục triển khai dự dự án vì người mua không vay được vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thua lỗ đến mức khó khôi phục, cho dù những tháng gần đây Chính phủ có chủ trương khơi thông lại dòng tín dụng cho thị trường này.
Mở rộng tài khóa bị thắt
Từ quý 2-2023 đến nay, Chính phủ đã chủ trương thực hiện nhiều chính sách để lấy lại đà tăng trưởng. Chính sách tài khóa mở rộng, kết hợp với mở rộng tiền tệ từng bước được thực thi, nhằm tạo thêm cơ hội làm ăn và dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mở rộng tài khóa với các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 8%, miễn giảm nhiều loại phí, thúc đẩy giải ngân đầu tư công… nhằm kích cầu, tạo cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả chưa như kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp so với kế hoạch đề ra. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, giá trị giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của năm 2023 chỉ đạt 59% kế hoạch. Đặc biệt, tiến độ giải ngân các công trình, dự án lớn còn rất thấp. Hơn nữa, các dự án đầu tư công, hoạt động chi tiêu công cũng chưa kích thích được đầu tư của khu vực tư nhân.
Chính sách tài khóa cũng chỉ mở rộng qua các việc thúc đẩy quyết liệt giải ngân đầu tư công từ người đứng đầu Chính phủ, chính quyền; hoặc biểu hiện qua việc giảm thuế giá trị gia tăng hay giảm phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế thực thi để dòng vốn công chảy ra nền kinh tế giống như một dòng sông gặp phải nhiều khâu “thắt cổ chai”, chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ có nhiều vật cản…, khiến dòng vốn ngân sách chảy nhỏ giọt ra nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành đi ngược với chủ trương mở rộng tài khóa vẫn chưa được tháo gỡ, khiến doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn. Chẳng hạn như Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp liên kết, trong đó có quy định về mức trần chi phí lãi vay không vượt quá 30% thu nhập trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA). Một số doanh nghiệp có chi phí lãi vay vượt trần, hoạch toán thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế vì bị khống chế chi phí lãi vay.
Khi đầu tư công không đạt như kỳ vọng, chưa tạo được nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, thì các biện pháp mở rộng tiền tệ nhằm trợ vốn cho doanh nghiệp cũng chưa phát huy được hiệu quả. Từ tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều kỳ giảm lãi suất, nhưng tăng trưởng tín dụng còn thấp. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 11 tháng của năm 2023 chỉ đạt 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 14,5%.
Mở rộng tiền tệ trong bối cảnh hệ thống tài chính ngân hàng gặp nhiều rủi ro nợ xấu, nên chính sách tiền tệ mở rộng trong tâm thế thận trọng. Ví dụ như, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023 có nhiều quy định thận trọng liên quan đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Thông tư này đã vấp phải phản ứng của nhiều doanh nghiệp, đến mức ngân hàng phải ngưng thi hành một số điều khoản.
Tuy nhiên, vẫn còn quy định của Thông tư 06/2023 ảnh hưởng lớn đến việc hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Đơn cử như quy định cho vay để thanh toán tiền nhằm đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ, ngân hàng phải phong tỏa số tiền giải ngân cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Quy định này thể hiện sự thận trọng nhằm đảm bảo tiền đặt cọc đúng với bản chất như là một khoản cam kết thực hiện thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều tổ chức kinh tế thường sử dụng tiền đặt cọc để làm ăn, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Mặt khác, Thông tư 06/2023 quy định cho vay để thanh toán tiền góp vốn, ngân hàng phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng đúng mục đích và đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Quy định này dẫn đến nhiều doanh nghiệp e ngại bị giám sát, nên không mặn mà với việc sử dụng vốn ngân hàng để thực hiện các dự án đầu tư.
Qua đó cho thấy chính sách tiền tệ mở rộng chỉ biểu hiện bề nổi như lãi suất giảm, hạn mức tín dụng được nới rộng. Nhưng điều kiện để dòng tín dụng chảy ra nền kinh tế đang bị thắt lại bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước.