Thời gian qua, Bộ KH-CN đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, xây dựng mạng lưới văn phòng đại điện KH-CN Việt Nam ở nước ngoài, nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, gặp gỡ và kết nối, chuyển giao công nghệ với các quốc gia sở tại; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tiếp thu và làm chủ các thành tựu KH-CN tiên tiến, công nghệ mới; đồng thời thu hút nguồn lực trí thức KH-CN, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Mới đây, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin (Đức), Đại sứ quán, Văn phòng đại diện KH-CN Việt Nam tại Đức và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Đức (VGInetwork) tổ chức cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ KH-CN Việt Nam Huỳnh Thành Đạt và các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại Đức, nhằm lắng nghe những đề xuất chính sách, giải đáp thắc mắc của các nhà khoa học, tiến tới đẩy mạnh hợp tác KH-CN giữa hai nước.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, trong những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài và các trí thức kiều bào đã luôn hướng về Tổ quốc, sát cánh cùng dân tộc và cộng đồng KH-CN trong nước, đóng góp to lớn và thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đội ngũ hơn 500.000 trí thức kiều bào ở nước ngoài với nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn kinh doanh có uy tín trên thế giới là nguồn nhân lực khoa học quý báu của nước nhà.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Bộ KH-CN luôn quan tâm và xây dựng những hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nước. Bộ KH-CN trân trọng sự tham gia đóng góp tri thức và trí tuệ của các nhà khoa học cho hoạt động KH-CN ở quê hương, đối với các chương trình, đề án quốc gia KH-CN, các dự án hợp tác nghiên cứu chung với các viện nghiên cứu, trường đại học của Đức; tư vấn, hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực KH-CN trong nước, làm cầu nối khai thông và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức KH-CN của Đức.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH-CN và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, thúc đẩy các hoạt động thu hút, khuyến khích các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp cho sự nghiệp KH-CN và đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đất nước. Đó cũng chính là việc mở rộng và phát triển tiềm lực KH-CN của đất nước, nhằm tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình số của thế giới với những công nghệ mới; để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, thích ứng được những biến đổi nhanh chóng của thời đại.