Mở rộng thị phần phải đi cùng gia tăng quảng bá bản sắc văn hóa Việt

Đó là trăn trở của ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op). Theo ông Đức, cùng với việc đưa hàng Việt vươn xa không chỉ thị phần trong nước mà còn ở nước ngoài thì cần gắn kết, chuyển tải được bản sắc văn hoá Việt thông qua từng câu chuyện thương hiệu Việt. Vậy để hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Đức ngay những ngày đầu năm mới.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM

* Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp, các sắc lệnh tăng thuế mà nhiều nước đang áp dụng sẽ tác động mạnh đến chi phí hàng hóa. Vậy điều này sẽ tác động như thế nào đến xu hướng tiêu dùng trong năm 2025, thưa ông?

* Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, việc nhiều quốc gia áp dụng sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá và thuế bảo hộ sẽ tạo ra những tác động lớn đến giá hàng hóa, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng toàn cầu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ, ô tô, thời trang cao cấp và thực phẩm nhập khẩu. Do vậy, người tiêu dùng sẽ ưu tiên sản phẩm giá hợp lý hơn, hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.

Ngược lại, sản xuất trong nước sẽ có lợi thế hơn khi người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên hàng trong nước hoặc các sản phẩm sản xuất nội địa có chất lượng tương đương. Nhờ vậy, các thương hiệu nội địa sẽ có cơ hội mở rộng thị phần, đặc biệt trong các ngành như nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, điện tử và hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng năm 2025 còn bị chi phối bởi 4 yếu tố, đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử; sự đột phá của công nghệ; sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong từng khâu sản xuất, phân phối và tính bền vững cho môi trường.

Co.opmart, Co.opXtra đưa giỏ quà Tết lên online.JPG

Xu hướng thương mại điện tử được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2025

Năm 2025, thương mại điện tử phát triển bùng nổ. Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt giá trị 40-50 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với năm 2023 (gần 20 tỷ USD). Có đến hơn 70% dân số Việt Nam mua sắm trực tuyến, cao hơn mức 60% năm 2024 và 80% giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên smartphone.

Ngoài ra, tính tự động hóa logistics và giao hàng siêu tốc cũng là hai yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh hơn. Thực tế cho thấy, giao hàng trong ngày, giao hàng trong 2 giờ hoặc mua online, nhận hàng tại cửa hàng… giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, giảm phí ship.

Cộng với đó, sự phát triển nhanh của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm. AI sẽ phân tích hành vi khách hàng để cá nhân hóa đề xuất sản phẩm, giúp người mua dễ dàng tìm thấy thứ họ cần. Về phía người tiêu dùng ngày càng chủ động thích ứng và ứng dụng công nghệ cho hoạt động mua sắm. Người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên lựa chọn mua sắm trực tuyến kết hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Ngoài ra, thế hệ Gen Z là nhóm tiêu dùng mới, thích công nghệ, mua sắm online và trải nghiệm độc đáo. Điều này sẽ thúc đẩy mạnh thói quen tiêu dùng online. Đồng thời, tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, phân phối, đòi hỏi sản phẩm của các nhà sản xuất, phân phối phải thay đổi sao cho phù hợp với tính cá nhân hoá hơn.

Ở khía cạnh khác, sự phát triển mạnh nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng sẽ tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến sức khỏe và lối sống lành mạnh nên những sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường, chế độ ăn uống lành mạnh, các thiết bị chăm sóc sức khỏe cá nhân, thiết bị đo lường sức khỏe… được ưa chuộng sử dụng.

Với những xu hướng tiêu dùng mới trong năm 2025 thì ngành bán lẻ Việt Nam cần có những chuyển đổi gì để thích ứng với xu hướng này?

Đã có 10 triệu giỏ quà Tết được tiêu thụ qua CT Gắn kết tình thân Tết xa thêm gần.jpg
Saigon Co.op đã chủ động đa dạng hoá mô hình bán lẻ để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới năm 2025

Từ những xu hướng trên, ngành bán lẻ Việt Nam cần có những thay đổi đồng bộ nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ, tối ưu chi phí logistics, đa dạng hóa mô hình kinh doanh và phát triển bền vững để thích ứng với xu hướng tiêu dùng 2025. Cụ thể:

Thực hiện chuyển đổi số và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Theo đó, tối đa hoá ứng dụng AI, Big Data để phân tích hành vi mua sắm và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Cùng với AI hỗ trợ khách hàng tự động 24/7. Các hệ thống bán lẻ phải tích hợp thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong trải nghiệm mua sắm, giúp khách hàng thử sản phẩm online trước khi mua.

Ở khía cạnh khác, hệ thống bán lẻ phải tối ưu mô hình bán hàng đa kênh (Omnichannel). Theo đó, kết hợp giữa cửa hàng truyền thống và kênh trực tuyến để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Phát triển mô hình O2O (Online to Offline), khách hàng đặt hàng online và nhận tại cửa hàng gần nhất.

Bên cạnh đó, đa dạng hình thức mua sắm trên mạng xã hội (Social Commerce)....; thực hiện giao hàng siêu tốc và tối ưu chi phí logistics. Muốn vậy, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống kho thông minh, tối ưu vận chuyển hàng hóa, triển khai giao hàng trong ngày hoặc trong 2 giờ và phát triển các điểm nhận hàng thông minh giúp khách hàng mua hàng linh hoạt hơn.

Cùng với đó, phát triển các mô hình bán lẻ sáng tạo, mô hình cửa hàng không người bán với công nghệ nhận diện khuôn mặt, thanh toán tự động. Siêu thị mini tự động, mở rộng tại các khu dân cư đông đúc, nâng cao trải nghiệm khách hàng với thanh toán số. Cần tích hợp ví điện tử (Momo, ZaloPay, VNPay…), giúp thanh toán nhanh hơn.

Hỗ trợ chính sách "mua ngay, trả sau" giúp khách hàng linh hoạt hơn khi mua sắm và phát triển chương trình khách hàng thân thiết, tích điểm, hoàn tiền khi mua sắm. Đồng thời, tại mỗi siêu thị, trung tâm thương mại cần tạo không gian mua sắm thư giãn, tăng trải nghiệm khách hàng.

Một yếu tố khác, cần đẩy mạnh tiêu dùng xanh và bền vững. Trong đó, cần tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường (không nhựa, có thể tái chế, nguồn gốc tự nhiên), kết hợp xây dựng chuỗi cung ứng xanh, giảm thiểu khí thải carbon và khuyến khích tái sử dụng, mua sắm không túi nilong.

Riêng về phía hệ thống bán lẻ Saigon Co.op sẽ có những thay đổi nào để bắt nhịp với những chuyển đổi trên thưa ông?

Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ thuần Việt lâu đời và có thị phần lớn nhất Việt Nam. Chuỗi hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op có đa dạng các mô hình như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile...

Để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới năm 2025, Saigon Co.op thực hiện đồng bộ 2 giải pháp. Một là cũng cố nội lực, phát huy những giá truyền thống văn hoá Việt Nam vốn đã xây dựng xuyên suốt 35 năm hình thành và phát triển. Hai là tăng ứng dụng công nghệ, tiện ích trải nghiệm và cá nhân hoá nhu cầu tiêu dùng cho khách hàng. Năm 2025, cũng là năm nền tảng để Saigon Co.op thực hiện vấn đề này, làm cơ sở để tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình mới của Saigon Co.op nói riêng và của đất nước nói chung.

Theo đó, với giá trị truyền thống, Saigon Co.op tiếp tục phát huy phương châm “Siêu thị thuần Việt, do người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ”. Cùng với đó phát huy giá trị cốt lõi là “mang hạnh phúc đến từng gia đình Việt”. Song song đó, Saigon Co.op thực hiện chuyển đổi số và tối ưu trải nghiệm mua sắm đa kênh (Omnichannel).

Cụ thể, thực hiện nâng cấp ứng dụng Saigon Co.op để khách hàng có thể đặt hàng online, theo dõi khuyến mãi, tích điểm; Tích hợp AI và dữ liệu lớn (Big Data) để cá nhân hóa sản phẩm theo sở thích khách hàng; Mở rộng kênh bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, TikTok Shop, Zalo…); Phát triển mô hình O2O (Online to Offline), đặt hàng online, nhận tại cửa hàng hoặc giao tận nhà, trong đó cho phép khách hàng mua sắm trên app Saigon Co.op và chọn giao hàng trong 2 giờ…

Mặt khác, tăng cường thương mại điện tử và giao hàng nhanh bằng cách phát triển hệ thống kho thông minh giúp xử lý đơn hàng nhanh hơn; Hợp tác với các đơn vị vận chuyển (Grab, AhaMove, Loship...) để giao hàng siêu tốc; Mở rộng dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng trong ngày cho thực phẩm tươi sống.

Về phía Saigon Co.op cũng đổi mới mô hình cửa hàng bán lẻ bằng cách mở rộng mô hình cửa hàng tự động, phát triển mô hình mini-mart như Co.op Food, Co.op Smile tại các khu dân cư đông đúc và thử nghiệm quầy thanh toán không nhân viên, khách hàng tự chọn hàng và thanh toán qua app. Chương trình thanh toán không tiền mặt và chương trình khách hàng thân thiết cũng được Saigon Co.op triển khai mở rộng với đa dạng kênh và lượng khách hàng thành viên chạm mốc 4 triệu thành viên.

Nắm giữ phần lớn thị phần bán lẻ Việt Nam và nhiều thị phần tại những thị trường xuất khẩu, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt như thế nào để mở rộng thị phần?

ĐẠI BIỂU THAM QUAN KHU TRƯNG BÀY TRIỂN LÃM TẠI LỄ CÔNG BỐ VÙNG NGUYÊN LIỆU SẢN PHẨM SAIGON CO.OP.jpg
Mở rộng thị phần xuất khẩu gắn kết câu chuyện thương hiệu Việt là chiến lược mà Saigon Co.op sẽ triển khai mạnh năm 2025

Saigon Co.op, với 32% thị phần bán lẻ tại Việt Nam, không chỉ là một nhà phân phối mà còn đóng vai trò cầu nối giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần, nâng cao giá trị sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Những chiến lược quan trọng Saigon Co.op đã và sẽ áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bao gồm tạo điều kiện đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc.

Trong đó, ưu tiên phân phối sản phẩm Việt Nam vào các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile...; Hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại các vị trí trong siêu thị; Tổ chức các chương trình "Hàng Việt ưu tiên" để kích cầu tiêu dùng trong nước….

Saigon Co.op đã và tiếp tục duy trì triển khai chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Theo đó, thông qua nhiều hoạt động như tổ chức hội chợ, tuần lễ hàng Việt tại Co.opmart, Co.opXtra; Hỗ trợ quảng bá sản phẩm Việt trên các kênh truyền thông, mạng xã hội; Tạo chương trình ưu đãi, giảm giá đặc biệt cho sản phẩm nội địa…, hàng Việt đã có thể tiếp cận sát với nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và thị trường nước ngoài.

Về nội tại, Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và bán hàng đa kênh bằng cách đưa sản phẩm doanh nghiệp Việt lên các nền tảng thương mại điện tử của Saigon Co.op; Đào tạo doanh nghiệp về thương mại điện tử, tối ưu logistics, thanh toán số...

Ngoài ra, tận dụng lợi thế tiếp cận trực tiếp nhu cầu khách hàng, Saigon Co.op đã thống kê và đưa ra những định hướng sát thực tế để hỗ trợ phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp.

Từ đó, hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp cung ứng thay mới thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu chuẩn quốc tế; Hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn xuất khẩu (GMP, HACCP, VietGAP, GlobalGAP); Kết nối doanh nghiệp với nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu để tối ưu chi phí…

Trong lĩnh vực xuất khẩu, Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế. Hiện Saigon Co.op đã hợp tác với hệ thống siêu thị quốc tế tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản để đưa hàng Việt ra thế giới; Kết nối với kiều bào Việt Nam, giúp tiêu thụ sản phẩm Việt tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài; Tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại nước ngoài, giới thiệu sản phẩm qua hệ thống đối tác quốc tế… Nếu tận dụng tốt hệ thống phân phối, thương mại điện tử, thương hiệu và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội mở rộng thị phần đáng kể trong năm 2025.

Saigon Co.op phấn đấu trở thành bệ phóng cho doanh nghiệp Việt, không chỉ chiếm lĩnh thị phần nội địa mà còn vươn ra quốc tế. Cao hơn thế, thông qua đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế, Saigon Co.op sẽ góp phần truyền tải, quảng bá bản sắc văn hoá Việt thông qua từng câu chuyện sản phẩm mang thương hiệu Việt. Cũng trong năm nay, Saigon Co.op sẽ bắt tay cùng các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng câu chuyện Thương hiệu Xanh, Thương hiệu Việt cho các doanh nghiệp, làm cơ sở để quảng bá, phát triển thương hiệu, bản sắc Việt Nam đến với người tiêu dùng trên toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục