Ngày 18-10, Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự được Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội.
Dự thảo luật được xây dựng gồm 6 chương, 47 điều với nhiều nội dung mới. Thuật ngữ “tương trợ tư pháp” được định nghĩa và thống nhất sử dụng trong toàn bộ dự thảo Luật thay cho thuật ngữ “ủy thác tư pháp” như Luật TTTP hiện hành; quy định rõ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định. Nguyên tắc thực hiện TTTP về dân sự; trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự; thẩm quyền thực hiện yêu cầu TTTP... cũng là những nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, dự thảo Luật TTTP về dân sự đã khắc phục nhiều bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực TTTP dân sự.
Theo chuyên gia này, theo Luật TTTP hiện hành, chỉ tòa án cấp tỉnh mới có thẩm quyền yêu cầu TTTP trong nước và thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài; vì vậy gây cản trở trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án Việt Nam. Dự án Luật TTTP đã có sự mở rộng thẩm quyền hơn, quy định “tòa án nhân dân là một trong các cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTTP”. “Việc mở rộng thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự cho tòa án nhân dân các cấp là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới”, ông Hùng bình luận.
Vẫn theo ông Lê Mạnh Hùng, Luật TTTP hiện hành thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện TTTP mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TTTP về dân sự. Việc quy định cho phép chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam bằng phương thức điện tử tại dự thảo Luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý để đa dạng hóa các phương thức thực hiện; đồng thời rút ngắn thời gian và đem lại hiệu quả tốt hơn cho công tác TTTP.
Đây là quy định rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giảm bớt số lượng hồ sơ bản giấy và bổ sung hồ sơ điện tử.
Quan điểm này được ông Vi Hoàng Chung, Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đồng tình. Ông Chung đề xuất bổ sung vào dự thảo luật nội dung đẩy mạnh số hóa hồ sơ, cho phép chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam bằng phương tiện điện tử…