Trong khuyến nghị giải pháp phục hồi kinh tế đối với Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), có 2 giải pháp rất đáng chú ý, đó là tăng ngân sách chi cho đầu tư công và tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội. Cả 2 khuyến nghị này đều tập trung vào chính sách tài khóa, đều tăng chi ngân sách. Đây cũng là cách mà nhiều Chính phủ trên thế giới đang và buộc phải thực hiện. Việt Nam sẽ không phải ngoại lệ.
Song, một vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là việc Chính phủ vay thêm nợ có ảnh hưởng đến vấn đề kiểm soát an toàn nợ công? Và, khi vay nợ thêm có phải nới trần nợ công?
Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, với cách tính GDP mới, nợ công năm 2020 đạt mức 45,08% GDP, dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 46,1% GDP (nếu so với cách tính GDP cũ là 55,3%); nợ Chính phủ ở mức 45,2% GDP (năm 2018 là 50% GDP); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 19,5%-20,5%. Một chỉ tiêu quan trọng khác là nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 45,8%.
Như vậy, nếu so với ngưỡng quy định nợ công mới theo GDP mới năm 2020 thì nợ công vẫn còn cách ngưỡng khoảng 14%GDP. Nếu so với ngưỡng năm 2020 là 65% thì còn gần 15% GDP. Đây là dư địa vay thêm rất lớn, do đó chưa cần nâng mức trần nợ công.
Ngay từ năm 2020, Chính phủ đã tăng mức vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách cho các chi tiêu phòng chống dịch Covid-19. Theo kịch bản được WB đưa ra vào cuối tháng 9 vừa qua, bội chi ngân sách của Việt Nam dự kiến tăng từ 4,9% GDP năm 2020 lên 6% năm 2021. Con số này sẽ không đáng lo ngại khi việc tăng nợ công nhưng đi kèm với đó là những danh mục nợ tốt, chi phí nợ hợp lý, khả năng hấp thụ nợ của nền kinh tế tốt, hiệu quả sử dụng nợ vay cao, khả năng trả nợ được đảm bảo.
Một con số nữa cũng rất đáng lưu ý, đó là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2020 khoảng 23% - tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020. Ngay từ đầu năm 2021, do các nghĩa vụ trả nợ trái phiếu Chính phủ ở trong nước đến hạn nên nghĩa vụ trả nợ đã tăng lên 27,3% so với thu ngân sách, vượt mức trần 25%. Tất nhiên, điều này cũng không phải là vấn đề quá lo lắng vì trái phiếu Chính phủ phát hành nội địa đã chiếm 14% thu ngân sách. Nhưng, vấn đề về khả năng trả nợ công, đảm bảo năng lực trả nợ cần được Chính phủ cân nhắc, xem xét để đảm bảo an toàn.
Vấn đề then chốt đặt ra hiện nay là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong nền kinh tế hoặc thông qua các dự án, chương trình đầu tư công, công trình phúc lợi xã hội. Đó mới là yếu tố quyết định nhằm đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì mức bền vững của nợ công. Trên thực tế, căn cứ vào tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch lần thứ 4, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, Chính phủ đã và đang can thiệp theo cách tiếp cận hỗ trợ có mục tiêu và đan xen giữa nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.
Nới lỏng tài khóa, vay thêm vốn bên ngoài để đầu tư, đó là giải pháp khả dĩ trong bối cảnh hiện nay. Dẫu vậy, dư địa dành cho nợ công vẫn còn một khoảng lớn, do đó, nên lấp đầy khoảng này trước khi xem xét đến việc có nên nới trần nợ công hay không. Tìm phương thức hỗ trợ công bằng, có hiệu quả cho các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo khả năng trả nợ và an toàn nợ công và an toàn tài chính quốc gia là điều cần quan tâm lúc này.