Chưa thống nhất phương án
Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp (ADPi) - đơn vị tư vấn độc lập do Bộ GTVT thuê - báo cáo bộ về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Theo đó, ADPi dự báo đến năm 2025, Tân Sơn Nhất chỉ đạt công suất 51 triệu hành khách/năm.
Sau thời điểm này, sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm tải hành khách cho Tân Sơn Nhất. Do đó, đơn vị này khuyến cáo chọn phương án mở rộng sân bay về phía Nam hoặc phía Bắc mà không xây thêm đường băng số 3. Bởi nếu xây đường băng số 3 sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực khi máy bay lên xuống liên tục.
Ngoài ra, tư vấn ADPi đề nghị bổ sung nhiều vị trí đậu, mở rộng nhà ga, sân đậu về phía Nam để tăng khả năng đậu phương tiện; xây nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển 1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc.
Tuy nhiên, với phương án đề xuất trên, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (thành viên nhóm chuyên gia được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thành lập để cố vấn các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất), nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, hành khách sẽ dồn về đây, gây ùn tắc, giao thông kết nối bất lợi.
Đề xuất phương án này, đơn vị tư vấn chưa nhìn thấy tổng thể giao thông bên ngoài sân bay. Về chiến lược, để tăng khả năng kết nối sân bay với xung quanh, phải mở rộng về hướng Bắc. Quan điểm của TPHCM là mở rộng về hướng này vì sân bay còn tương tác với sự phát triển của thành phố và kết nối giao thông.
Ông Tống lý giải, nếu như mở rộng về phía Bắc sẽ giảm áp lực giao thông, hạn chế kẹt xe. Việc này giúp chia sẻ lượng hành khách đến Tân Sơn Nhất từ các hướng khác (như đường Tân Sơn, Quang Trung) chứ không như hiện nay, hành khách vào sân bay chỉ tập trung vào mỗi đường độc đạo Trường Sơn. Ngoài ra, TPHCM đề xuất dùng biện pháp “lấy đất đổi đất” sẽ ít tốn kém hơn.
Mở rộng cả 2 hướng Bắc - Nam
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất rất “bức bách”, vừa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về vận tải hàng không của khu vực TPHCM trong thời gian chưa có sân bay Long Thành, vừa đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát, tính toán lại cụ thể diện tích đất trong khu vực sân bay sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh và kinh tế.
Trên cơ sở này, Bộ GTVT xác định cụ thể chức năng, nhu cầu đầu tư mở rộng sân bay để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và đảm bảo công suất của sân bay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng phương án bố trí nhà ga đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả trong việc sử dụng quỹ đất trong khu vực sân bay. Bộ GTVT phối hợp với các bộ chức năng và cơ quan liên quan xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư mở rộng sân bay, trong đó xác định rõ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TPHCM mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ và Quân ủy Trung ương sẽ họp “gút” lại việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; sau khi thống nhất, các đơn vị sẽ triển khai ngay.
Theo bộ trưởng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng 210ha về phía Bắc (khu vực dịch vụ) và phía Nam thêm 70ha - 80ha (làm nhà ga). Sau khi mở rộng, lượng hành khách tăng lên rất nhiều, áp lực giao thông cũng rất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị TPHCM tính toán để phối hợp mở rộng và thêm các tuyến đường mới nhằm bảo đảm kết nối tốt, tránh ùn tắc giao thông. Làm thế nào để khi xong nhà ga T3 thì các tuyến đường mới đi qua đất quốc phòng cũng hoàn tất, đảm bảo sự đồng bộ.
TPHCM xác định đây là khu vực phải bảo vệ trọng điểm. UBND TPHCM yêu cầu Sở GTVT phải tập trung các giải pháp chống ùn tắc ở vị trí này. Thành phố sẽ khẩn trương để triển khai ngay các dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với bên ngoài sau khi bộ chốt phương án mở rộng.
Trong bối cảnh khu vực Tân Sơn Nhất “nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất” ngày càng trầm trọng, nếu việc nâng cấp mở rộng cứ “đủng đỉnh chờ điều chỉnh”, hành khách lại tiếp tục… chờ!