Đây là dự án luật quy định về 3 lĩnh vực cơ bản, bao gồm: hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và tập trung kinh tế được thực hiện tại Việt Nam hoặc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh và xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo lần này liên quan đến mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật và tổ chức, hoạt động của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.
“Có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, nhất là quy định nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn cạnh tranh quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và hợp tác song phương…
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, hiện còn hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, để cơ quan cạnh tranh có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tốt chức năng tố tụng cạnh tranh, cần được quy định rõ ràng trong Luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cạnh tranh. Nếu quy định cơ quan cạnh tranh chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh (trực thuộc Bộ Công Thương) với Hội đồng cạnh tranh (do Chính phủ thành lập, các thành viên của Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm) và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh thì địa vị pháp lý và tính độc lập của cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh còn thấp hơn so với quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, khó bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
Vẫn theo người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của ĐBQH về tố tụng cạnh tranh.
Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định rõ quy trình tố tụng cạnh tranh từ phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh đến giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng cạnh tranh, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng cạnh tranh, thời hạn, thời hiệu giải quyết bảo đảm chặt chẽ, khoa học và tính độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh.