Đại diện Hiệp hội Dệt may, da giày cho biết, có đến 60% nguồn nguyên liệu sản xuất của DN nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế nhưng, việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của các DN Trung Quốc hiện nay đã khiến cho nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn. Hiện lượng nguyên liệu tồn kho của các DN chỉ có thể duy trì trong 1-2 tháng. Trong năm 2019, dù các DN đã chủ động dịch chuyển nguồn nguyên liệu nhập khẩu sang các thị trường cung ứng khác như châu Âu, Ấn Độ, Bangladesh… nhưng tỷ lệ cung ứng còn khá khiêm tốn. Tình trạng khó khăn này cũng đang diễn ra chung ở các ngành khác của Việt Nam như chế biến lương thực, thực phẩm, điện, điện tử, máy tính, linh kiện trang thiết bị phụ tùng…
Trước thực tế này, Bộ Công thương đã gấp rút làm việc với các đơn vị liên quan. Theo đó, một mặt chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị vận chuyển hàng hóa quốc tế kết hợp đảm bảo phòng dịch bệnh, không được làm gián đoạn hoạt động vận chuyển, gây ảnh hưởng đến sản xuất của DN. Mặt khác, hỗ trợ DN kết nối nguồn cung ứng nguyên liệu từ quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều DN, hiện nguồn nguyên liệu sản xuất tại các quốc gia ngoài Trung Quốc thường có giá thành cao hơn. Do vậy, ít nhiều sẽ có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của DN, nhất là khi những đơn hàng xuất khẩu trong năm 2020 đã được DN ký kết trước đó. Do đó, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ kịp thời như tăng nguồn vay ưu đãi, các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ.