Vựa lúa chịu tác động kép
Không gian hấp thụ lũ hẹp dần, nước biển dâng cao, hạn đến sớm, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng… là tình cảnh khó khăn mà ĐBSCL liên tục đối mặt trong 5 năm gần đây.
“Đất đai cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, do sản xuất lúa liên tục 3 vụ và hệ thống đê bao khép kín không nhận đủ phù sa. “Sức khỏe đất đai” đang bị vắt kiệt cho mục tiêu tối đa hóa sản lượng lúa trong nhiều năm qua”, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), nhận định. Có thể nói, vựa lúa ĐBSCL đang chịu tác động kép từ việc các nước xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Công và nước biển dâng cao lấn sâu vào nội đồng vào mùa khô hàng năm.
Theo GS Jiagou Qi, Đại học Michigan (Mỹ), hiện nay một số nước, như Mỹ và châu Âu, không tiếp tục xây đập, ngược lại họ tháo dỡ các đập để trả về hiện trạng tự nhiên. Việc xóa bỏ đập diễn ra ngày càng nhiều ở các nước. Trong khi đó, trên dòng Mê Công có nhiều đập được xây dựng và vẫn lên kế hoạch xây dựng đập mới. Việc xây đập ở thượng nguồn sẽ ảnh hưởng các hoạt động tại hạ nguồn, sinh kế, nguồn nước, hệ sinh thái. Một trong những lý do làm nghiêm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) là đập thượng nguồn làm giảm nước ở hạ nguồn khiến xâm nhập mặn gia tăng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Việc không có lũ là một khó khăn lớn. Việc phát triển các đập thủy điện ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống.
“Có thể nói, BĐKH toàn cầu ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của con người. Thế giới đã nỗ lực với nhiều hoạt động để thích ứng cũng như giảm thiểu tác động của BĐKH đối với con người. Song, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều cơn bão, những hiện tượng cực đoan do BĐKH diễn ra ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt và kéo dài. Việc trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học cùng hợp tác để có sự hiểu biết sâu rộng hơn về BĐKH là rất cần thiết. Từ đó, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, hy vọng các giải pháp đưa ra để nhân rộng ở nhiều địa phương ĐBSCL”, PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ.
Cần cơ chế tổng hòa giữa các ý tưởng phát triển
Theo PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), ĐBSCL đang đương đầu các vấn đề mới như chất lượng nguồn nước mặt, sử dụng nguồn nước ngầm, sự sụt lún đất. Bản đồ ĐBSCL cũng cho thấy lúa trồng nhiều nơi nhưng thường xuyên gặp vấn đề hạn hán…
Các nhà khoa học lưu ý, cần đưa ra chiến lược thích ứng phù hợp, nghiên cứu những tình huống đã qua để xây dựng các kịch bản, mô hình nhằm đưa ra hệ thống cảnh báo phù hợp cho cộng đồng và cho Chính phủ. BĐKH đang tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. BĐKH đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cần chú ý đối với vùng; trong đó tập trung vấn đề nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, sự dâng lên của mặt nước biển và sụt lún đất. Ảnh hưởng kép của BĐKH từ các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Công, nước biển dâng càng trở thành vấn đề khó khăn đối với khu vực ĐBSCL.
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”, vùng ĐBSCL đã có những chuyển mình. Tuy vậy, đến nay sản xuất nông nghiệp của vùng vẫn chưa ổn định, thu nhập của nông dân còn bấp bênh. “ĐBSCL thiếu một cơ chế tổng hòa giữa các ý tưởng phát triển từng ngành với vấn đề sử dụng tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái. Ngoài ra, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và các ngành. Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL hiện ở giai đoạn hoàn chỉnh, chờ phê duyệt chính thức. Các quy hoạch tích hợp cấp tỉnh cũng mới ở giai đoạn khởi động ban đầu”, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho biết.
Theo các chuyên gia, một bất cập hiện nay là việc chia sẻ, cập nhật dữ liệu còn hạn chế. Trong khi dữ liệu là một phần quan trọng để xây dựng các mô hình, từ đó đưa các dự báo, chính sách giúp ứng phó và thích ứng với tác động của BĐKH.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, liên kết vùng cần được hiểu rộng hơn, chứ không chỉ liên kết trên sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cách làm “hẹp” hiện nay. Liên kết vùng chính là sự điều phối quá trình phát triển giữa các địa phương, các ngành trong các tiểu vùng và toàn vùng ở tất cả mọi mặt để cộng lực, tránh trùng lắp, tránh mâu thuẫn trong mục tiêu giữa các ngành, các địa phương. Đồng thời, giải quyết được những vấn đề cấp khu vực như BĐKH, nguồn nước, khai thác cát, dòng chảy, giao thông, du lịch… |