Phản ánh ngay, giải quyết tức thì
Cuối tuần, khi đi bộ ra đầu hẻm mua đồ ăn sáng, bà Minh Huệ (phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM) bắt gặp một đống rác vung vãi trên vỉa hè và xuống cả lòng đường. Bà Huệ dùng điện thoại chụp hình gửi vào ứng dụng “Phú Nhuận trực tuyến”. Hơn 2 giờ sau vào xem lại, bà thấy phản hồi của phường cho biết đã xử lý xong đống rác trên. Trước đó, đi làm thủ tục ở phường, chứng kiến thủ tục rườm rà, cán bộ phường giải thích không rõ, bà Huệ cũng góp ý ngay trên ứng dụng. “Ngày trước, thấy cảnh chướng tai gai mắt, chỉ biết ôm cục tức, thì nay có bức xúc là tôi nhắn tin phản ánh liền. Nhờ có bằng chứng cụ thể, thông tin rõ ràng nên địa phương cũng giải quyết nhanh chóng”, bà Huệ cho biết.
Không chỉ ở các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, nhiều quận huyện ở TPHCM đã xây dựng các ứng dụng trực tuyến, bổ sung nhiều tính năng nhằm tương tác tốt hơn với người dân.
Tại quận 9, ngoài kênh “Quận 9 trực tuyến”, hiện nay các phường đều có kênh Zalo chính thức để kịp thời thông tin đến người dân các chủ trương chính sách và tin tức trên địa bàn phường, đồng thời tiếp nhận phản ánh của người dân. Nhờ vậy mà gần 2 tuần nay, người dân ở chung cư Sky 9, Hausneo và dự án địa ốc 3 (phường Phú Hữu) không phải chạy xe vòng vèo qua con đường tập trung nhiều trường mầm non để ra đường chính. Trước đó, dự án liền kề trong khu vực đã dựng rào chắn ở đầu đường do lo ngại về an ninh trật tự. Sau khi người dân phản ánh qua Zalo “Phường Phú Hữu”, chính quyền đã lập tức làm việc với đại diện các dự án và đôi bên đồng thuận mở lại lối đi chung, cam kết cùng giữ an ninh trật tự toàn khu vực.
Trong khi đó, tại quận 12, trang Fanpage của quận hiện có hơn 32.000 lượt người theo dõi, 520.000 lượt người tiếp cận thông tin bài viết, 60.000 lượt tương tác trong tháng. Qua kênh này, 10 tháng đầu năm, quận đã tiếp nhận 1.583 phản ánh, xử lý 1.502 phản ánh, tỷ lệ xử lý đạt 94,9%. Kênh Zalo của quận cũng có gần 71.000 lượt người theo dõi, trung bình mỗi tháng có 16.900 lượt người tiếp cận bài viết và 1.300 lượt tương tác.
Hướng đến hiệu quả thực sự
Chia sẻ về thành công bước đầu của các kênh tương tác với người dân tại quận 12, Chủ tịch UBND quận Lê Trương Hải Hiếu cho biết, quận không xây dựng ứng dụng trực tuyến giống như nhiều quận huyện khác, mà tận dụng các nền tảng MXH có sẵn. MXH có lượng người dùng đông đảo và được liên kết với nhau dựa trên thói quen tương tác, đang cho thấy hiệu quả, bên cạnh kênh truyền thống như website hay gửi ý kiến đến phường, quận.
Khâu tiếp nhận phản ánh với các kênh tương tác hiện đại và truyền thống nhìn chung đã được chú trọng. Tuy nhiên, điều người dân mong muốn nhất vẫn là ý kiến của mình được giải quyết triệt để. Thực tế, có những tin được phản ánh suốt nhiều năm, phường xã đã xử lý nhưng vẫn chưa làm hài lòng người phản ánh. Đặc biệt là những ý kiến liên quan đến ô nhiễm môi trường, đất đai xây dựng - hầu hết là những vấn đề khó giải quyết tức thời.
Tại phường Phú Hữu, quận 9, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thị Hương Hiệp cho biết, kênh Zalo “Phường Phú Hữu” do chính mình trực tiếp quản lý, tiếp nhận thông tin. Nhờ đó, việc chỉ đạo được xuyên suốt, kịp thời rốt ráo, giám sát được tiến độ giải quyết.
Trong ngành y tế, nếu trước đây bức xúc việc gì, người bệnh phải gọi qua đường dây nóng hoặc viết đơn phản ánh, thì nay chỉ cần đến kios chọn vấn đề mình không hài lòng và bấm nút. Ngay lập tức, ý kiến sẽ được gửi đến ban giám đốc hoặc bộ phận phụ trách của bệnh viện (BV); đồng thời gửi đến Sở Y tế. Sau hơn 3 năm triển khai, hệ thống kios đã giúp các BV cải thiện chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân và người nhà. Từ đó, BV Quận Thủ Đức, BV Nhân dân Gia Định, BV Trưng Vương… đã xây dựng ứng dụng tiếp nhận và đăng ký khám, chữa bệnh nhằm rút ngắn thời gian chờ khám. Nhiều BV cũng đã cải tạo, xây mới nhà vệ sinh, mở rộng bãi giữ xe. Nhờ vậy, ý kiến không hài lòng của bệnh nhân đã giảm xuống rõ rệt.
Theo chuyên gia Diệp Văn Sơn, sự nhanh chóng, kịp thời, truyền tải được âm thanh, hình ảnh đã giúp những kênh tương tác gia tăng sức hút với người dân. Các kênh tương tác phát triển cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm giải trình trước dân, thúc đẩy chính quyền phải tìm ra giải pháp cho các vấn đề mà người dân phản ánh. Các địa phương, đơn vị khi xây dựng các kênh này cũng cần duy trì tính tương tác, tránh tình trạng lập ra rồi để đó, không phản hồi kịp thời, khiến người dân càng bức xúc.
Ngoài những kênh phản ánh trực tuyến qua app và thiết bị điện tử, ở nhiều nơi vẫn duy trì các buổi tiếp xúc, gặp gỡ nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân. Có thể kể đến các chương trình như: “Lắng nghe và trao đổi” của HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện; “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của Ủy ban MTTQ quận 12; “Ngày thứ bảy đến với dân” của Đảng ủy phường Thới An (quận 12)… |