Báo cáo của UBKT Trung ương cho biết, trong năm 2022, UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức đảng và 10.475 đảng viên và kết luận có 2.333 tổ chức đảng và 8.003 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 333 tổ chức đảng và 3.909 đảng viên. Trong năm 2022, hàng loạt vụ án, vụ việc lớn được kết luận và nhiều cá nhân, tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật ở các cấp, kể cả cấp cao nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo ở Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai, Bộ Y tế, Bộ KH-CN… sau khi bị kỷ luật Đảng, đã bị khởi tố hình sự, hầu tòa.
Đáng chú ý, hầu hết những sai phạm của các lãnh đạo này đều diễn ra ở nhiệm kỳ trước, thậm chí xa hơn nữa. Vì sao các vụ án, vụ việc với những “cán bộ sai phạm” đó không bị phát hiện, xử lý từ nhiệm kỳ trước, phải đến nhiệm kỳ này, hay đến năm 2022 mới được kết luận “có sai phạm” và bị xử lý? Do công tác kiểm tra, giám sát không tốt, hiệu quả? Do không thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định của Đảng?... Tuy nhiên, dù lý do nào thì cũng thể hiện một điều, đã có những thời điểm, những nơi, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã không phát huy vai trò, hiệu quả của mình để sai phạm, khuyết điểm của nhiều cá nhân, tổ chức tích tụ thành sai phạm lớn, lan rộng, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng mới bắt đầu vào cuộc xử lý. Nếu việc “giám sát phải mở rộng” được thực hiện quyết liệt từ sớm, từ cơ sở thì chắc chắn không để lại hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương, bộ ngành như thời gian qua. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là một phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, vì vậy, cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cũng như cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, tổ chức.
Thực tế thời gian qua cho thấy, cần có cơ chế để người dân được tham gia công khai vào quá trình kiểm tra, giám sát ở các cấp. Nếu không có cơ chế này, chắc sẽ vẫn tồn tại những bộ phận, những người mà không ai dám đụng tới. Điều đó là không công bằng và không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác cần phải dựa vào dân để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Người dân biết hết mọi chuyện, biết rõ từng cán bộ, đảng viên ở cơ sở xấu hay tốt, có sai phạm hay không. Vấn đề là “mở rộng giám sát”, lắng nghe người dân với sự chân thành, cầu thị để có hướng xử lý từ sớm, từ xa, không cho “những cái xấu”, “sai phạm” lớn lên, kéo dài theo thời gian và những đảng viên không đủ tư cách đó, tiếp tục “leo cao, chui sâu”.
Cùng với phương châm “giám sát phải mở rộng”, lắng nghe dân, dựa vào dân, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát khả thi, thực chất phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương, đơn vị; kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm; xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời không có vùng cấm không có ngoại lệ... Bởi đây là bước đầu tiên, kết sức quan trọng, có vai trò quyết định đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Đó là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay nhằm làm trong sạch bộ máy ở các cấp.