Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên báo chí đặt các câu hỏi liên quan vụ sai phạm ở trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới, vụ bà Nguyễn Phương Hằng…
Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01), Công an TPHCM trả lời báo chí. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01), Công an TPHCM cho biết, đến nay, công an đã khám xét 12 TTĐK (7 của TPHCM và 5 của tỉnh) và đã khởi tố 43 bị can về các tội các tội “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”.
Hiện Công an TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm xảy ra tại các TTĐK và trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra. Trường hợp nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Còn vụ bà Nguyễn Phương Hằng, công an đã khởi tố thêm 3 bị can là trợ lý của bà này. Công an TPHCM cũng tiếp tục làm rõ nhiều đơn tố cáo xoay quanh vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng và xử lý theo quy định, nếu có hành vi phạm tội.
Trước đó, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, trong năm 2022, ghi nhận 4.266 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với năm 2021 tăng 295 vụ, tương ứng 7,43%); đã điều tra, khám phá 3171 vụ (74,33%), bắt 4.972 đối tượng.
Hầu hết các vụ án nghiêm trọng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm đều được công an điều tra khám phá, truy bắt nhanh các đối tượng gây án. Tuy nhiên, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người vẫn còn xảy ra. Nhiều nhất là tội phạm giết người, giết người thân do mâu thuẫn bộc phát, mâu thuẫn tình cảm gia đình với hành vi dã man, mất nhân tính, gây bức xúc dư luận. Tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia rộ lên gần đây với thủ đoạn hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM thông tin về tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong năm 2022. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, trong năm, đơn vị đấu tranh, khám phá 1.294 vụ, bắt giữ 4.074 đối tượng phạm tội về ma túy (so với năm 2019 giảm 354 vụ, tăng 149 đối tượng; so với năm 2021 giảm 3 vụ, tăng 1.717 đối tượng).
Tang vật thu giữ hơn 1,3 tấn ma túy; 12 khẩu súng; 127 viên đạn; 6 dao tự chế; 18 ô tô; 663 xe máy... Đến nay, công an đã khởi tố 1.099 vụ, 1.568 bị can; xử lý hành chính 180 vụ, 2.473 đối tượng. Đồng thời, Công an TPHCM cũng phát hiện, xử lý 2.569 vụ với 1.262 đối tượng vi phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và các vi phạm khác; thu giữ hàng hóa vi phạm hơn 259,7 tỷ đồng.
Về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM triển khai quyết liệt, có hiệu quả và cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra về Đề án 06… Lực lượng Công an TPHCM cũng kéo giảm mạnh tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Trong công tác PCCC-CNCH trên địa bàn, công an đã kiềm chế, kéo giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp tại các cơ sở sản xuất, nhà đơn lẻ của người dân.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đơn vị tiếp tục trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm liên quan “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án; tội phạm giết người; tội phạm xâm phạm sở hữu; Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng chống cháy, nổ; Xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, nhất là trong dịp tết. Tăng cường quản lý, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (nhà hàng, khách sạn, quán bar, karaoke…) kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở cố tình vi phạm quy định pháp luật.