Chiều 21-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá 2007.
Nhận định việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Chính phủ trình với Quốc hội đề nghị sửa đổi 18/36 điều, bổ sung 3 điều mới.
Trong số những nội dung cụ thể được sửa đổi, đáng lưu ý là điều kiện được đề nghị đặc xá. Điều 10 của dự thảo Luật đã mở rộng hơn diện đối tượng người có thể được đề nghị đặc xá so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 và diện người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 7 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251, 252 của Bộ luật Hình sự” thì không được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), đối tượng này vẫn có thể được đề nghị đặc xá; tuy nhiên, quy định chặt chẽ hơn về thời hạn đã chấp hành án phạt tù.
Dự thảo Luật Đặc xá cũng bổ sung quy định Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá đối với một số trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.
Về đối tượng không được đề nghị đặc xá, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bỏ quy định “trước đó đã được đặc xá và có từ hai tiền án trở lên” được quy định Luật Đặc xá năm 2007 nhằm thu hẹp diện đối tượng không đề nghị đặc xá, bảo đảm thể hiện được đầy đủ ý nghĩa là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù.
Chỉ 1,16% người được đặc xá tái phạm tội
Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2008), Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; theo đó quyết định đặc xá cho 85.897 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Bên cạnh đó, để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong các năm: 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2017, các đối tượng được đặc xá đã thực hiện xong nghĩa vụ dân sự với số tiền là hơn 3.184 tỷ đồng; trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.438 tỷ đồng; thu bồi thường cho công dân, tổ chức xã hội hơn 1.746 tỷ đồng; giá trị tài sản thu được là hơn 1.064 tỷ đồng.
Theo báo cáo của công an các đơn vị, địa phương, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân.
Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội thấp (1.007 người, chiếm tỉ lệ 1,16%).
(Trích Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 9-5-2018 của Chính phủ)