Hơn 2 tuần sau khi trở về từ chuyến khảo sát thị trường Myanmar và kết nối giao thương với doanh nghiệp (DN) Myanmar trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Myanmar 2017 (Ho Chi Minh City Expo 2017) vào trung tuần tháng 4 vừa qua (do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức), nhiều DN Việt Nam cho biết, có những thông tin khả quan khi được các DN ở Myanmar đồng ý làm nhà phân phối.
Theo đó, các DN đã được đối tác tại Myanmar hợp tác gồm DNTN Duy Điệp, Công ty cổ phần Cà phê Hello 5, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn, Công ty cổ phần XNK Thủy sản An Giang, Công ty Bảo Hân… Nhà phân phối có hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng Pro 1 ở Myanmar đã kết nối với Công ty Robot, Công ty TNHH Cơ khí Công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH Fuji Impulse Việt Nam, Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty Điện máy REE, Công ty Hansinco.
Bà Luận Thùy Dương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar, đánh giá rất cao kết quả đạt được và cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng DN Việt Nam tại thị trường Myanmar. Thông qua Đại sứ quán, cụ thể là tham tán thương mại, sẽ là kênh hỗ trợ đắc lực trong thương mại, đầu tư khi các DN Việt Nam sang Myanmar đầu tư và làm ăn. Bà Thùy Dương khẳng định sẽ hỗ trợ hết mình cho các DN và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục có những chương trình xúc tiến nhằm đưa được nhiều hàng hóa hơn nữa vào Myanmar, cũng như kết nối với các DN đã đứng chân tại đây với các doanh nghiệp trong nước.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar, cho biết làn sóng đầu tư cũng như lượng hàng hóa từ các thị trường đổ về Myanmar dồi dào và đa dạng. Riêng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Myanmar năm 2016 đạt 548,3 triệu USD, tăng 26% so với năm 2015; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 461,9 triệu USD, tăng 22% so với năm 2015, chiếm 84% trong tổng kim ngạch thương mại 2 chiều. Theo Tổng cục Đầu tư và đăng ký doanh nghiệp Myanmar (DICA), từ vị trí thứ 10 trong năm 2016, đến hết tháng 2-2017, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 7 trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký trên 2.079,46 triệu USD cho 14 dự án; trong đó có 5 dự án 100% vốn Việt Nam, còn lại là các dự án liên doanh với DN sở tại. Hiện nay, Việt Nam có 138 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam. Trong khi đó, Myanmar chưa có nhà đầu tư nào được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Nhu cầu kết nối đối tác ở Myanmar của DN Việt Nam không chỉ ở việc tìm kiếm nhà phân phối cho những ngành hàng tiêu dùng mà ngày càng có thêm DN tìm đối tác Myanmar có năng lực để đưa những mặt hàng điện, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị vào các công trình, nhà máy, tham gia các dự án của Chính phủ Myanmar.
Các DN về cơ khí, thép cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu khảo sát thị trường. Ông Vũ Ngọc Bích, trợ lý Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam, cho biết với công nghệ Nhật Bản, công ty tự tin khẳng định chất lượng sản phẩm của công ty không hề thua kém sản phẩm các nước khác. Chuyến khảo sát vừa rồi là bước đầu tiếp cận với khách hàng, đối tác nhằm tìm ra các hướng đầu tư, kinh doanh hiệu quả của công ty. Các công ty: Hồng Ký, Nhơn Hòa, Quy Phúc, Nhật Linh, Robot… cũng mang đến những sản phẩm mới nhất về vật tư điện, cơ khí chế tạo, máy móc, cơ khí… tạo sự chú ý cho các DN Myanmar. Ông Dương Văn Thắng, Giám đốc Công ty Hồng Thái, cho biết với các loại thực phẩm chế biến từ bột gạo, công ty bước đầu đã thành công khi ký biên bản ghi nhớ về phân phối sản phẩm tại chuỗi siêu thị CT Mart và lên kế hoạch đưa sản phẩm này vào thị trường Myanmar từ quý 2-2017.
Sau chuyến khảo sát thị trường tại chuỗi siêu thị Pro 1, CT Mart hay chợ đầu mối Zuzana, Bago ở Myanmar, các DN nhận thấy tại thị trường Myanmar, hàng hóa Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Qua khảo sát, người tiêu dùng Myanmar cũng đang dần có thiện cảm với sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, một số thương hiệu trở nên quen thuộc và được chấp nhận tại Myanmar như hàng gia dụng Kangaroo, thiết bị điện LIOA, sản phẩm cơ khí Hồng Ký, quạt máy Senko, thiết bị điện Điện Quang…
Ông Cao Duy Thịnh, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar, gợi ý, các DN Việt Nam nên chủ động gặp gỡ đối tác và mời thăm nhà xưởng. Ông Thịnh cũng lưu ý các DN nên tìm những nhà phân phối lớn và uy tín nhằm bảo đảm tính hợp pháp, tránh rủi ro khi ký kết hợp đồng. Cùng với đó, các chia sẻ và tư vấn từ ông Đặng Hải Nhã (Giám đốc điều hành chi nhánh Yangon của BIDV), ông Nguyễn Vũ Công (đại diện Công ty VNam PEC), bà Lê Thị Kim Hoa (đại diện Hoàng Anh Gia Lai) về thị trường Myanmar cũng được đánh giá cao về tính chuyên sâu, hữu ích và rất cần thiết đối với các DN có ý định thâm nhập thị trường này.