Nhà trường, doanh nghiệp cùng vào cuộc
Tại TPHCM, các trường đại học như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin - UIT (trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Công nghiệp TPHCM… đã triển khai đào tạo nguồn nhân lực vi mạch từ sớm. Hiện TPHCM dẫn đầu cả nước về nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, với gần 5.000 kỹ sư.
Bên cạnh chương trình điện tử viễn thông, các chương trình đào tạo khác liên quan đến công nghệ vi mạch như cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và IOT, cũng như mới đây là chương trình kỹ thuật thiết kế vi mạch đã được các trường đại học đưa vào đào tạo. “Theo thống kê, hơn 13% kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam là do nhà trường đào tạo”, PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết.
Cùng với các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ cũng đã tham gia sâu vào đào tạo nguồn nhân lực vi mạch. Cụ thể, Tập đoàn FPT đã và đang đi theo định hướng sản xuất chip “Make in Việt Nam”. Tập đoàn này có đội ngũ thiết kế vi mạch là các kỹ sư được đào tạo từ những nước phát triển về chip bán dẫn như Nhật Bản, Mỹ... Với việc tự chủ về công nghệ, Tập đoàn FPT có thể thiết kế chip nguồn riêng cho từng loại thiết bị, tùy biến theo nhu cầu của khách hàng, giúp họ khai thác sức mạnh của sản phẩm. Tập đoàn FPT đặt mục tiêu đào tạo 10.000 nhân lực bán dẫn cho Việt Nam vào năm 2030.
Trong các năm qua, Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) đã có nhiều hoạt động để góp phần phát triển ngành vi mạch TPHCM, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ, liên kết đào tạo nguồn nhân lực. HSIA đã kết nối để Công ty Synopsys và Khu Công nghệ cao TPHCM ký hợp tác cung cấp 30 license trong 3 năm - trị giá 20 triệu USD, đào tạo 30 giảng viên tương ứng với 30 bản quyền cho các trường đại học tại TPHCM…
Trong giai đoạn 2019-2024, HSIA phối hợp cùng các trường, viện hoàn thành khảo sát chương trình đào tạo và nhu cầu tuyển dụng, làm cơ sở xây dựng chương trình chuẩn Analog+1 và IC Fab; phối hợp cùng Sở TT-TT TPHCM triển khai khảo sát và lấy ý kiến của các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HSIA, thông tin, hội tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác và kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng trên địa bàn thành phố, từ đó tạo ra cộng đồng hội viên ngành vi mạch lớn mạnh. Tuy nhiên, HSIA chưa chủ động phát huy các chức năng, nhiệm vụ của hội như tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội về khoa học và công nghệ điện tử, vi mạch; chưa chủ trì hoặc tham gia các dự án, đề án liên quan đến chuyên môn… Đây là những hạn chế cần khắc phục trong năm 2025.
BÁ TÂN
Tương tự, Trường Đại học CMC (Tập đoàn CMC) đã thành lập Khoa Vi điện tử và viễn thông để đào tạo nhân lực chuyên sâu chip bán dẫn; mở ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử viễn thông, đồng thời xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về chip bán dẫn. Trường cũng đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm IC Design Lab nhằm giúp sinh viên và kỹ sư tiếp cận công nghệ thiết kế vi mạch tiên tiến...
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp FDI về thiết kế vi mạch bán dẫn, chế tạo, ứng dụng điện tử. Hiện các trường đại học tại TPHCM cung cấp khá nhiều nhân lực chuyên ngành vi mạch cho các doanh nghiệp này..
Đầu tư để “đón” thị trường
Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM, ngành vi mạch bán dẫn trên toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với nhu cầu cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực. Trong khi đó, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, nằm trong tốp 5 thế giới vào năm 2030 với nhân lực khoảng 50.000 người. Riêng TPHCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư liên quan ngành vi mạch bán dẫn từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM hiện đào tạo khoảng 6.000 sinh viên/năm về các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Theo đó, các trường đại học thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1017/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên cao học và 500 nghiên cứu sinh.
Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước và các trường đại học đang tập trung đầu tư cho đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Nhà nước dự kiến đầu tư, xây mới 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và tại Đà Nẵng; đầu tư 18 phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn tại 18 trường đại học công lập…
Đa dạng liên kết đào tạo
Hiện nhiều trường đại học đã xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ cao, được đào tạo từ các nước, vùng lãnh thổ mà ngành sản xuất vi mạch bán dẫn phát triển, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan… Nhiều trường tự đầu tư cơ sở vật chất cũng như liên kết với các tập đoàn đa quốc gia để đào tạo nhân lực ngành vi mạch.
Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch (nằm trong chuyên ngành Điện tử - Viễn thông) của nhà trường có 20 nhân sự, gồm 3 PGS, 4 TS, số còn lại là thạc sĩ. Ngoài ra, còn có hàng chục giảng viên khác của Khoa Điện tử - Viễn thông... “Nhà trường đã liên kết, hợp tác với các công ty, tập đoàn thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn cùng các chuyên gia đầu ngành để tham gia vào việc giảng dạy”, TS Quách Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chia sẻ.
Trường Đại học Việt Đức cũng có 7 giảng viên là tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Kỹ thuật hệ thống vi điện tử và Thiết kế chip bán dẫn; 4 chuyên gia là kỹ sư phòng thí nghiệm… “Ngoài nguồn lực sẵn có trong trường, Trường Đại học Việt Đức đã hợp tác với Trường Đại học Stuttgart (CHLB Đức) trong việc đào tạo về kỹ thuật bán dẫn và vi mạch. Sinh viên của trường có thể tham gia học kỳ trao đổi tại Trường Đại học Stuttgart để học chuyên sâu về công nghệ bán dẫn, hệ thống vi điện tử và thiết kế chip”, TS Thái Truyển Đại Chấn, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Trường Đại học Việt Đức, cho biết.
Liên kết đào tạo nguồn nhân lực vi mạch được ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TUMIKI, lưu ý: “Dù gần đây việc đào tạo “3 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường) đạt kết quả tốt, tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu nhân lực. Điều đó đặt ra một vấn đề cấp thiết là không chỉ trường đại học tham gia vào việc đào tạo nhân lực ngành vi mạch, mà các trường cao đẳng cũng không thể nằm ngoài cuộc đua này”.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, công việc trong ngành bán dẫn có 3 khâu: thiết kế (Design), sản xuất (Manufacturing) và đóng gói kiểm thử (ATP). Trước năm 2023, một số trường đại học có giảng dạy một vài nội dung cho khâu thiết kế trong một số chuyên ngành, nhưng gần như chưa đào tạo trong khâu sản xuất hay đóng gói kiểm thử. Đến năm 2024, khoảng 15 trường đại học có ngành vi mạch bán dẫn, nhưng chủ yếu vẫn đi vào khâu thiết kế. Chính vì vậy, khi các trường cao đẳng tham gia vào việc đào tạo thì nên tập trung cho khâu đóng gói kiểm thử vì doanh nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang có nhu cầu nhân lực lớn ở khâu này.
QUANG HUY