Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối buổi sáng 9-12, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo mới nhất của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã bổ sung báo cáo số liệu về đối tượng, kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ưu đãi đối với đối tượng này. Đáng lưu ý là đối tượng người có công với Cách mạng đang định cư ở nước ngoài không bị hạn chế việc nhận chế độ ưu đãi mà mình được hưởng. Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các phương thức phù hợp để đối tượng nhận được chế độ ưu đãi.
Về điều kiện công nhận liệt sĩ, vấn đề đã được UBTVQH tập trung cho ý kiến tại phiên họp trước, dự thảo Pháp lệnh đã chỉnh lý thành hai điểm để phân biệt đấu tranh chống tội phạm của người được giao nhiệm vụ và người không được giao nhiệm vụ.
Đối với người được giao nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm, dự thảo bỏ quy định điều kiện “dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm” vì chưa phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng công an trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm (có các trường hợp không có các yếu tố này, nhưng có tính chất bất ngờ dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công an). Đồng thời, dự thảo đã bổ sung điều kiện “Trực tiếp làm nhiệm vụ”, cùng với việc bổ sung các trường hợp không được xem xét công nhận người có công, bảo đảm chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của lực lượng chuyên trách.
Đối với trường hợp “Do ốm đau, tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh hiện hành nhưng chặt chẽ hơn, cụ thể là giới hạn công nhận liệt sĩ trong trường hợp “Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định”.
Một sửa đổi đáng lưu ý khác liên quan đến mức trợ cấp cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý theo hướng giữ mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ tại điểm a khoản 3 Điều 16 như hiện hành; riêng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, quy định chế độ trợ cấp được hưởng bằng 3 lần mức chuẩn trợ cấp hàng tháng chứ không tính theo số liệt sĩ và phụ cấp hàng tháng (khoản 2, khoản 3 Điều 18) nhằm đảm bảo mức sống tốt cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.