Xây dựng thói quen học tập mới
Sáng 8-10, có mặt tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), giờ đọc sách của học sinh lớp 5/2 ngập tràn tiếng cười và những âm thanh thảo luận sôi nổi. Đặng Ngọc Bảo Thy, học sinh lớp 5/2 cho biết, sau khi học bài “Cuộc phản công ở kinh thành Huế” môn Lịch sử, em được đến thư viện tra cứu thêm nhiều tư liệu, hình ảnh về cuộc chiến thông qua kho học liệu điện tử, qua đó hiểu sâu hơn bài học và nhớ lâu kiến thức.
Học sinh này chia sẻ, mỗi tuần em đều dành 1 - 2 tiếng đọc sách điện tử tại thư viện. So với hình thức đọc sách giấy trước đây, các em phải tìm từng đầu sách trên kệ, lật từng trang để bổ sung kiến thức thì nay với kho học liệu mở, học sinh có thể dễ dàng tra cứu, tìm đọc nhanh các đầu sách với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động.
Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa, bày tỏ, mô hình thư viện thông minh được nhà trường xây dựng theo Đề án xây dựng trường tiên tiến, hội nhập với tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Mặc dù mới chính thức đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2020-2021, nhưng thư viện đã tạo ra làn gió mới trong phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh. Đến nay, thư viện đã được trang bị 30 máy tính bảng, 6 máy tính để bàn, 3 màn hình tivi tương tác phục vụ nhu cầu học tập, tra cứu thông tin của giáo viên và học sinh.
Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, nhân viên thư viện của trường, tra cứu tài liệu bằng kho học liệu điện tử giúp học sinh tiết kiệm thời gian và mở rộng phạm vi kiến thức. Thông qua kho học liệu mở với hơn 500 đầu sách được số hóa gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, các sách kỹ năng, truyện đọc phù hợp độ tuổi, học sinh có thể truy cập nhiều đầu sách trong cùng thời điểm, chứ không cần chờ đến lượt luân phiên như trước đây.
Tương tự, tại Trường THCS Lương Định Của (quận 2), Phạm Gia Bảo, học sinh lớp 9A2, cho biết, trước đây việc học các môn tự nhiên như toán, lý, hóa khá khô khan vì học sinh phải học thuộc lòng công thức, tự tưởng tượng ra các phản ứng vật lý, hóa học, thì nay với kho học liệu mở tại thư viện, các em được tiếp xúc nhiều nguồn học tập đa dạng như sách số, hình ảnh, phim tư liệu nên dễ hiểu kiến thức; ngồi một chỗ có thể tra cứu nhiều nguồn thông tin khác nhau.
Trao đổi với chúng tôi, cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, cho biết, hiện nay học sinh hai khối 6, 7 sẽ được bố trí một tiết đọc sách/tuần ở thư viện, riêng hai khối 8, 9 không xếp vào thời khóa biểu mà đưa vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh. Toàn bộ 14 môn học ở bậc THCS đều được trang bị kho dữ liệu số gồm chữ, hình ảnh và âm thanh giúp học sinh tra cứu hiệu quả hơn so với phương pháp học tập truyền thống.
Mô hình thư viện thông minh đang được đẩy mạnh tại nhiều đơn vị trường học khác trên địa bàn TPHCM, như THCS Nguyễn Chí Thanh (quận 12), THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1)…
Chủ động giải pháp xã hội hóa
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, thành phố đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng thư viện tiên tiến tại 17 trường phổ thông, thông qua chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Theo đó, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất vay không quá 7 năm, tổng vốn vay không quá 100 tỷ đồng cho một dự án. Những năm qua, trung bình mỗi năm thành phố bố trí khoảng 3.400 tỷ đồng ngân sách để đầu tư xây dựng mới, tăng thêm hơn 1.500 phòng học ở các bậc học; đồng thời chi hơn 200 tỷ đồng để thực hiện công tác mua sắm, sửa chữa tại các trường học.
Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp theo quy hoạch nhằm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong độ tuổi, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm 40.000 - 60.000 học sinh. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư là một trong những giải pháp nhằm phát triển cơ sở vật chất trường học theo hướng thông minh, hiện đại.
Đến nay, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là đơn vị đầu tiên có thư viện thông minh đi vào hoạt động theo hình thức xã hội hóa (phụ huynh đóng góp, ngân sách thành phố trả lãi vay). Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, để có sự đồng hành của phụ huynh, trước tiên cần thay đổi quan niệm giáo dục trong nhà trường. Cụ thể, trường đang đẩy mạnh 2 mô hình học tập là “lớp học trong thư viện” (học sinh học trực tiếp tại thư viện) và “thư viện trong lớp học” (phủ sóng wifi toàn trường để học sinh ngồi ở bất kỳ đâu đều có thể truy cập vào kho học liệu số), qua đó nâng cao vai trò và hiệu quả sử dụng của thư viện.
Với việc trang bị hệ thống máy chủ và 63 máy tính để bàn có thể tra cứu dữ liệu trực tiếp, nhà trường còn đầu tư xây dựng kho học liệu số với hơn 10.900 đầu sách điện tử (gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, tác phẩm văn học, nghệ thuật…), 403 tập tin phim ảnh, hơn 500 sách nói và hình ảnh tra cứu. Ngoài ra, thư viện còn được tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS (Learning Management System) giúp giáo viên xây dựng kho bài giảng trực tuyến và các phần mềm hỗ trợ thực tế ảo giúp việc học tập, tra cứu dễ dàng hơn.
Tới đây, trong lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình thư viện thông minh ở tất cả bậc học, qua đó đáp ứng yêu cầu đổi mới.